Hai người cô ruột nói về cuộc sống của Mai Thị Thanh và Mai Văn Toàn.
Rời khỏi khu vườn của chị em Mai Thị Thanh, Mai Văn Toàn và sau buổi làm việc với chính quyền thị trấn Vân Du (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa), phóng viên VTC News không khỏi thắc mắc, tại sao đã quyết định dọn hết đồ đạc về quê sinh sống sau khi cha mẹ mất đi, nhưng chỉ một thời gian ngắn họ đã quay lại vùng đất Thạch Thành.
Để tìm câu trả lời, chúng tôi quyết định tìm về xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) để gặp những người thân trong gia đình ông Mai Hồng Thái.
Đón chúng tôi trong căn nhà 3 gian cũ của ông bà Thành - Thái là bà Mai Thị Tình và bà Mai Thị Sáu - 2 người em gái ruột của ông Thái.
Chính giữa ngôi nhà không còn sự xuất hiện của cột lưỡi cày từng được ông Thái dựng. Tôi chưa kịp hỏi thì bà Tình đã nhanh nhảu nói: "Hồi đầu năm, thằng Toàn về nó dỡ rồi. Toàn bộ số lưỡi cày nó bỏ vào 2 chiếc bì, chở về Thạch Thành rồi".
Cột lưỡi cày dựng từ năm 2017 đã được dỡ bỏ khỏi ngôi nhà của ông Mai Hồng Thái tại xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn.
Thắp nén hương lên ban thờ, vuốt ve tấm bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng ông Mai Hồng Thái đã tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà Tình ngậm ngùi nói: "Anh Thái đánh Mỹ sập hầm không chết, nhưng anh lại chết vì 'ma' làm".
Bà Tình kể, vì đi làm kinh tế sớm ở lâm trường Thạch Thành nên gia đình ông Thái có của ăn của để, kinh tế khá giả nhất trong mấy anh em. Vợ chồng ông Thái sống rất hòa nhã, tốt tính, ai khó khăn gì đều giúp đỡ nên được mọi người yêu quý. Cứ vài ba tháng, cả nhà họ lại về quê thăm cha mẹ già, anh em.
"Căn nhà này cũng được anh ấy mua khi còn đang làm việc trên Thạch Thành với mong muốn làm nơi an dưỡng tuổi già. Đến khi về hưu, anh chị bảo ở trên đó vài năm nữa, đợi xin cho 3 đứa vào làm ở nhà máy đường Lam Sơn rồi về hẳn quê. Nhưng mọi chuyện chẳng được như dự tính", bà Tình nói.
Đầu những năm 2000, bà Thành "phát bệnh", bắt cả 3 người con bỏ học, cạo trọc đầu và yêu cầu họ làm những việc kỳ quái. Bà Tình bảo tiếc lắm, nhất là cháu Mai Thị Thanh, hồi đó đang học lớp 10, giỏi tốp đầu của trường.
"Thời gian đầu, anh Thái chạy vạy khắp nơi tìm cách chữa bệnh cho vợ. Nhưng sau anh dần làm theo sự sai khiến của chị ấy. Kể từ đó anh cũng ít về quê, cứ 3 - 4 tháng mới về một lần để lấy lương hưu thôi". Bà Tình nén tiếng thở dài rồi kể tiếp, khi bố mẹ mất, gia đình có báo tin nhưng ông Thái cũng không về chịu tang dù ông là người rất thương bố mẹ.
Gia đình, chính quyền xã Thành Vân, sau này là thị trấn Vân Du hết lời khuyên ngăn, nhưng gia đình bà Thành - ông Thái vẫn duy trì cuộc sống kỳ dị hàng chục năm, mãi cho tới khi bà Thành qua đời vào cuối năm 2021.
"Lúc chị ấy chết, hoàn cảnh của chúng tôi cũng khó khăn nên mọi chi phí đều được thị trấn Vân Du hỗ trợ. Tang lễ xong, cũng lập bàn thờ tại nhà nhưng thằng Toàn lấy bát hương đập đi và bảo không được thờ cúng gì hết", bà kể.
Sau khi bà Thành mất được vài tháng, bà Tình bất ngờ nghe thông tin bố con ông Thái muốn về Nga Sơn sinh sống, cả nhà ai cũng vui mừng, định lên Thạch Thành để giúp đưa đồ đạc về nhưng Toàn không đồng ý.
Theo bà Tình, anh em trong nhà cũng như hàng xóm láng giềng ai cũng hoảng hốt khi 3 bố con ông Thái về cùng 2 chiếc ô tô tải với hàng chục tấn sắt, thép, tôn, bát sứ… chất thành mấy đống to để trong vườn nhà.
Bà Tình cho hay, dù về quê sống nhưng bố con ông Thái giữ nếp sinh hoạt như cũ, ăn mặc vẫn kỳ dị và không nhận bất cứ đồ đạc hay sự giúp đỡ nào từ người thân. "Tôi mang quần áo mới bảo 2 đứa thay đổi cách ăn mặc đi, về đây rồi thì phải theo lối sống ở đây, rồi cô xin vào công ty làm nhưng nó không chịu".
Về quê không được bao lâu, ông Thái đổ bệnh với triệu chứng bụng chướng. Nhiều lần bà Tình muốn đưa anh trai đi bệnh viện nhưng đều bị Toàn ngăn cấm.
"Nó bướng lắm, cứ bảo để bố ở đấy sẽ tự khỏi bệnh. Hồi đó ngày nào tôi cũng qua nhà để xem tình hình ăn uống, sức khỏe của anh thế nào. Nhưng bẵng vài hôm do có việc bên đằng nội, tôi được cô Dung (bà Lê Thị Dung - Trưởng khu phố 1, thị trấn Vân Du) điện báo chị em thằng Toàn đưa bố nó lên lại Thạch Thành rồi. Hơn một tuần sau thì tôi nhận được tin anh Thái chết", bà Tình nói.
Sau đám tang của ông Thái, chị em Toàn cũng thuê xe chuyển hết số đồ đạc về lại Thạch Thành. "Tôi hỏi cháu đã về đây rồi, sao còn lên đó làm gì, Toàn bảo được mẹ báo mộng rằng con đừng ở đây nữa, ở đây không sống được đâu, phải lên miền núi". Bà Tình cho hay lại thêm một lần bất lực trong việc khuyên nhủ 2 đứa cháu của mình.
Chúng tôi thắc mắc, khi đến thăm chị em Thanh và Toàn không hề thấy sự hiện diện của hàng chục tấn đồ đạc như lời kể, mà chỉ có vài cuộn thép trong nhà bếp.
Lý giải điều này, bà Mai Thị Sáu cho biết, hồi đầu tháng Hai bà lên Thạch Thành và được biết, toàn bộ số bát sứ đã được 2 chị em chôn dưới đất, còn số sắt thép đang để trong căn nhà được dựng bằng những tấm tôn xanh.
Bà Sáu bảo, hôm bà lên chơi cũng dỗ dành Thanh và Toàn về quê, họ hàng sẽ giúp đỡ sửa sang lại căn nhà để 2 chị em dựng vợ, gả chồng nhưng không nhận được sự đồng ý.
"Trước đây tôi từng nói anh Thái, chị Thành rằng "anh chị ơi, anh chị về đây đi, cho các cháu sớm dựng vợ, gả chồng kẻo lúc anh chị chết các cháu lại bơ vơ trên rừng", y như rằng giờ chúng nó bơ vơ thật. Chị em tôi già yếu cả rồi, ngày về với ông bà tổ tiên không còn xa, trước khi nhắm mắt xuôi tay chỉ mong 2 cháu Thanh, Toàn về quê sống để được gần họ hàng", bà Sáu nghẹn giọng.
Trả lời phóng viên VTC News, ông Mai Văn Năm - Chủ tịch UBND xã Nga Thạch (huyện Nga Sơn) - cho biết, trước đây, khi ông Mai Hồng Thái và bà Nguyễn Thị Thành còn sống, lãnh đạo thị trấn Vân Du (huyện Thạch Thành) liên hệ với lãnh đạo xã Nga Thạch phối hợp tuyên truyền, vận động, lên kế hoạch cho đi khám, chữa bệnh nhưng gia đình không hợp tác, phản ứng rất gay gắt.
Đầu năm 2022, sau khi bà Thành mất và được an táng tại địa phương, 3 bố con ông Thái cũng về quê sinh sống. Chính quyền địa phương đã gây quỹ và tặng nhu yếu phẩm, đồ đạc sinh hoạt nhưng ông Thái không nhận.
"Nói là về đây sống nhưng gia đình vẫn tách biệt với xã hội. Hai người con có đi làm ở xưởng ớt nhưng không giao tiếp với mọi người. Được 2 - 3 tháng thì họ quay về Thạch Thành, rồi ông Thái mất", ông Năm nói.
Theo ông Năm, hiện chị Mai Thị Thanh và anh Mai Văn Toàn có hộ khẩu thường trú tại xã Nga Thạch. Nếu đúng theo quy định, UBND thị trấn Vân Du có quyền trục xuất 2 chị em khỏi địa phương vì không có hộ khẩu cũng như không đăng ký tạm trú. Tuy nhiên, chính quyền vẫn đang xử lý theo hướng nhân văn, chủ yếu là tuyên truyền chứ không cưỡng chế.
"Nếu như họ có động thái làm mất ổn định tình hình an ninh địa phương, gây rối trật tự thì mới cưỡng chế chứ người ta sống bình thường, lầm lũi mà ép buộc cũng không hay. Nhưng trong thời gian tới, 2 địa phương sẽ phối hợp để có được giải pháp hợp lý giúp anh Toàn và chị Thanh hòa nhập cộng đồng", Chủ tịch xã Nga Thạch cho hay.
Đón đọc phần 5: Vén màn bí ẩn về gia đình 'âm binh'
TS.BS Trần Thị Hồng Thu nhìn nhận, biểu hiện của các thành viên trong gia đình "âm binh" khả năng cao có vấn đề về tâm thần, tuy nhiên để kết luận chính xác thì phải tiến hành giám định.