Việc đánh giá xếp hạng ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước năm 2018 được xây dựng trên kết quả tổng hợp, kiểm tra, đánh giá của Bộ TT&TT từ báo cáo ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương. Công tác đánh giá được thực hiện theo 3 nhóm cơ quan, đơn vị (các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), với 6 hạng mục gồm: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan; Trang/Cổng thông tin điện tử; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Cơ chế, chính sách và quy định cho ứng dụng CNTT; Nhân lực cho ứng dụng CNTT. Mỗi hạng mục được kiểm tra, tính điểm, tổng điểm của các hạng mục được sử dụng để xếp hạng tổng thể cho cơ quan.
Cụ thể, Bộ Tài chính hai năm liên tiếp đứng đầu chỉ số và xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Bộ Công thương đã có cú bứt phá ngoạn mục từ vị trí 17 của năm 2017 lên đứng thứ 2 trong năm 2018. Các Bộ Thông tin và Truyền thông, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội lần lượt xếp vị trí 3, 4, 5, 6 sau khi đã có mức tăng khá cao so với bảng xếp hạng trước đó.
Đối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vượt qua Thừa Thiên Huế để trở thành đơn vị đi đầu cả nước về ứng dụng CNTT năm 2018. Trong khi TP.HCM giảm 2 bậc, xếp ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố, Hà Nội đã vươn lên xếp ở vị trí thứ 11, tăng 1 bậc so với đánh giá năm 2017.
Trong bảng xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan thuộc Chính phủ, BHXH Việt Nam tiếp tục năm thứ hai dẫn đầu. Tiếp đến là Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam...
Những năm qua, công tác ứng dụng CNTT được BHXH Việt Nam đặc biệt quan tâm, thể hiện qua việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn Ngành; Hệ thống cấp số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc... Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Năm 2018, có hơn 47 triệu hồ sơ trong lĩnh vực BHXH, BHYT được thực hiện qua giao dịch điện tử… Toàn bộ ứng dụng CNTT ngành BHXH đã được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử được xây dựng theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo ASXH bền vững.