Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

BHXH tự nguyện - tài sản để dành của người lao động ở Huế lúc về già

(VTC News) -

Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, là “của để dành” khi hết tuổi lao động.

Sau 19 năm 9 tháng tham gia BHXH bắt buộc, đầu tháng 11/2023 ông Trần Minh Th. (trú số nhà 2 đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Xuân Phú, TP Huế, công tác tại Công ty CP Khoáng sản Thừa Thiên - Huế) đến bộ phận một cửa BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế để làm thủ tục nhận Bảo hiểm xã hội một lần.

Với mức thu nhập hàng tháng để tính BHXH một lần hơn 4,316 triệu đồng, ông Th. được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả Bảo hiểm xã hội một lần với tổng số tiền hơn 146 triệu đồng.

Đây là số tiền khá lớn đối với một người vừa nghỉ việc, lại ở tuổi gần 50 như ông Th. Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền này, khoảng thời gian còn lại ông Th. sẽ mất đi cơ hội nhận lương hưu và có khoản thu nhập ổn định hằng tháng khi về già.

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp người lao động có một tài sản để giành lúc về già. (Ảnh: Cẩm Sơn)

Trái ngược hoàn toàn với trường hợp ông Thông, với mong muốn khi về già có một khoản tiền trang trải cho cuộc sống, vợ chồng anh Nguyễn Văn An và chị Trần Thị Thu - là những lao động tự do ở phường Thủy Xuân (TP Huế) chủ động tìm đến Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế để đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Anh An chia sẻ: “Vợ chồng tôi nhận thấy việc tham gia BHXH tự nguyện chính là một hình thức tiết kiệm lâu dài cho bản thân. Chỉ cần dành ra một khoản tiền nhất định để đóng BHXH tự nguyện hằng tháng thì sau này khi về già, chúng tôi cũng sẽ có lương hưu, có thẻ BHYT như cán bộ nhà nước. Khoản lương hưu này sẽ giúp trang trải các sinh hoạt phí hằng ngày, đến khi ốm đau đã có BHYT chi trả, khi mất con cái nhận được tiền tử tuất, mai táng phí, không lo trở thành gánh nặng cho con cái và người thân”.

Nếu tham gia BHXH tự nguyện thì người lao động tự do cũng có lương hưu lúc về già và không cần phải trông cậy quá nhiều vào con cháu. (Ảnh: NV)

Ông Nguyễn Hữu Dũng (trú tại phường Thuận Hòa, TP Huế, Thừa Thiên - Huế) cứ ngày 9 hàng tháng lại lại thong thả đi bộ đến trụ sở UBND phường để nhận lương hưu cho cả 2 vợ chồng. Niềm vui tuổi già như được nâng lên khi mỗi tháng 2 vợ chồng ông nhận được hơn 8 triệu lương hưu, đủ để trang trải các sinh hoạt phí trong gia đình.

Ông Dũng chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng cùng làm việc ở một nhà máy ở thị xã Hương Thủy, đến năm 2010 công ty giải thể phải nghỉ việc. Thời điểm đó, nhiều đồng nghiệp làm thủ tục rút BHXH một lần nhận tiền để kinh doanh, buôn bán hoặc chi tiêu trong thời gian không có việc làm.

Lúc đó, cả 2 vợ chồng cũng nghĩ đến việc sẽ rút Bảo hiểm xã hội một lần, may thay có người bạn tư vấn nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện và nghe theo. Đến năm 2019 cả 2 vợ chồng đủ thời gian tham gia Bảo hiểm xã hội nên được nhận lương hưu cho đến nay. Giờ mới thấy ý nghĩa của việc có lương hưu khi người già chủ động về kinh tế, không phụ thuộc vào con cái và đau ốm đã có Bảo hiểm y tế chi trả”.

BHXH tỉnh Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Thục Trinh)

Theo BHXH Thừa Thiên - Huế, dưới góc độ tâm lý, khi một người được hưởng lương hưu lúc về già sẽ có cảm giác thoải mái, an tâm vì có thể tự mình trang trải chi phí cuộc sống, không phải phụ thuộc hay trở thành gánh nặng cho gia đình, con cháu. Đối với Nhà nước và xã hội, việc người dân tham gia Bảo hiểm xã hội nói chung, Bảo hiểm tự nguyện nói riêng giúp giảm bớt áp lực, gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc bảo đảm các chính sách an sinh xã hội về lâu dài.

Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, như: có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia qua đời.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 2017 - trước thời điểm Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết 28) ban hành, số người tham gia BHXH tự nguyện thấp, cả nước chỉ có 224 ngàn người tham gia. Từ khi triển khai Nghị quyết 28, số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng, kể cả trong tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Nếu như năm 2018 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 28, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn tỉnh chỉ có 3.400 người thì đến hết tháng 10/2023, con số này tăng lên 19.000 người, đạt 75,81% so với kế hoạch giao, chiếm tỷ lệ 3,57% so với lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng gấp 5,5 lần so với thời điểm năm 2018).

Cùng với đó, hệ thống tổ chức dịch vụ thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và mạng lưới đại lý thu được mở rộng, phủ khắp đến từng xã, phường, thị trấn, từng thôn, bản, tổ dân phố… tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận chính sách và tham gia BHXH tự nguyện. Với những kết quả đạt được cho thấy, chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân của Đảng, Nhà nước.

Bà Bùi Thị Thu Lý - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thừa Thiên - Huế chia sẻ, Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, đặc biệt với người có thu nhập thấp và không ổn định để được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già.

Tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng; khi đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng Bảo hiểm xã hội, người tham gia được hưởng lương hưu hằng tháng; khi về hưu được cấp thẻ Bảo hiểm y tế với mức thanh toán đến 95% chi phí khám, chữa bệnh khi chẳng may bị ốm đau, bệnh tật; thân nhân được nhận chế độ tử tuất, mai táng phí.

BẢO HƯNG

Tin mới