Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

BHXH góp phần tạo dựng thống an sinh xã hội bền vững

(VTC News) -

Phát triển hệ thống BHXH là một trong những vấn đề quan trọng trong việc tạo dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững, nhất là ở địa phương miền núi như Hà Giang.

Tạo dựng hệ thống an sinh bền vững

Những năm qua, phát triển hệ thống Bảo hiểm xã hội (BHXH) linh hoạt, đa tầng, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành BHXH… nhằm mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH... là những giải pháp trọng tâm của tỉnh Hà Giang, tại dựng hệ thống an sinh xã hội bền vững.

Nghị quyết 28 của BCH T.Ư Đảng về cải cách chính sách BHXH được xem là “bước ngoặt” quan trọng trong thực hiện chính sách BHXH vì an sinh xã hội. Vì vậy, để đảm bảo công tác cải cách chính sách BHXH được triển khai đồng bộ, toàn diện, kịp thời, có hệ thống, Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp và Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Cùng với đó, các cấp, ngành đa dạng hóa hình thức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 28 đến các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân nhằm phổ biến tính ưu việt của chính sách an sinh xã hội, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chính sách BHXH, hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH.

Điểm chi trả lương hưu trên địa bàn huyện Bắc Mê. (Ảnh: T.Nhung)

Có thể nêu những con số thực tế chứng minh mà tỉnh Hà Giang đã làm được. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh có 47.395 người lao động tham gia BHXH (bắt buộc và tự nguyện), đạt 8,92% thì đến cuối năm 2023, ước tính có gần 60.200 người lao động tham gia BHXH, chiếm tỷ lệ 16,27% so với lực lượng lao động trong độ tuổi có việc làm.

Đáng chú ý, tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 0,2% lên 3,87%, tỷ lệ người tham gia BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi từ 6,53% tăng lên 10,86% (tương đương 40.199 người tham gia).

Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 97,28% dân số toàn tỉnh (tương đương với 867.866 người có thẻ BHYT). Ngoài ra, gần 17.900 người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội (đạt 23,12%).

Áp dụng công nghệ để lan tỏa, phủ sóng riện rộng

Cùng với kết quả trên, BHXH Hà Giang luôn phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Hiện nay, ngành BHXH có 63 dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó đa phần là các dịch vụ công toàn trình (mức độ 4).

Phát triển dịch vụ công trực tuyến không chỉ cung cấp cho người dân, doanh nghiệp phương thức giao dịch mới với cơ quan BHXH, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí trong giải quyết các chính sách BHXH, BHYT mà còn giúp cải thiện tính minh bạch, nâng cao tiện ích và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.

Cán bộ của BHXH Hà Giang hướng dẫn người dân kê khai, rà soát số ĐDCN/CCCD và thực hiện cấp lại thẻ BHYT tại điểm hỗ trợ (Ảnh: Ph.Thúy)

Theo số liệu tổng hợp của cơ quan chuyên môn, hiện nay, toàn Hà Giang có 3.109 đơn vị, doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử đạt 81%, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ BHXH qua giao dịch điện tử đạt gần 93%.

Ngoài ra, ngành BHXH còn cung cấp nhiều hình thức thanh toán trực tuyến để người tham gia có thể đóng, nộp BHXH, BHYT trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia như gia hạn BHYT hộ gia đình, đóng BHXH tự nguyện.

Nhằm lan tỏa rộng rãi đến các đơn vị sử dụng lao động và đa tầng nhân dân tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Hà Giang đã tích cực thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó, BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ, xác thực cơ sở dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, đạt 92,36% so với kế hoạch.

Đồng thời, BHXH tỉnh phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, cập nhật, bổ sung, đồng bộ các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để đáp ứng nhiệm vụ triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip, liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, chứng tử.

Hiện này 100% (213/213) cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong tỉnh có bệnh nhân sử dụng Căn cước công dân làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT; 12/12 cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe; 38 cơ sở liên thông giấy chứng sinh; 1 cơ sở liên thông giấy chứng tử qua Cổng tiếp nhận dữ liệu BHYT của ngành BHXH.

Mặt khác, toàn tỉnh đã có gần 124.500 người tham gia cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam trên nền tảng thiết bị di động thông minh (chiếm 14% tổng số người tham gia BHXH, BHYT).

Triển khai đồng bộ, đa dang các ứng dụng này giúp người tham gia bảo BHXH, BHYT tiếp cận thông tin, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, hướng tới mục tiêu thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT giấy như hiện nay.

Thực tế cho thấy, chính sách BHXH là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi gặp rủi ro trong cuộc sống.

Người dân giao dịch tại bộ phận "Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC" BHXH huyện Xín Mần. (Ảnh: T. Linh)

Vì vậy, BHXH Hà Giang xác định tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28 của BCH T.Ư Đảng, phấn đấu đến năm 2030 có lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 46%, tham gia BHTN đạt 30%.

Cùng với đó, cố gắng nâng tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội đạt 60%, nâng chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH từ 80% (năm 2021) lên 90%.

Trên cơ sở đó, BHXH Hà Giang từng bước mở rộng bền vững diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, thực hiện nguyên tắc đóng-hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

THƯ THƯ

Tin mới