Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bệnh viện ở TP.HCM: Nơi thưởng gần trăm triệu, nơi chỉ vài trăm nghìn đồng

Theo Sở Y tế TP.HCM, tự chủ tài chính trong khi kết cấu viện phí chưa được tính đúng, đủ là một lý do khiến tiền thưởng Tết giữa các bệnh viện chênh lệch nhau.

Ngày 22/1, Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện thành phố vẫn còn nhiều bệnh viện công lập gặp khó khăn về thưởng Tết cho nhân viên.

Theo cơ quan này, các đơn vị có mức thưởng cao dịp cuối năm hầu hết là các bệnh viện chuyên khoa. Đến hiện tại, không ít bệnh viện công lập gặp khó trong việc tìm nguồn thưởng Tết nhằm động viên cán bộ, viên chức và người lao động.

Cụ thể, dù đã cận kề kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, TP.HCM vẫn còn 3 cơ sở y tế công lập chưa có nguồn để thưởng Tết cho nhân viên, bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Khu điều trị phong Bến Sắn, Chi cục Dân số TP. Riêng Bệnh viện quận 4 vẫn chưa chốt được mức tiền thưởng.

Đến chiều tối nay, Bệnh viện Lê Văn Việt (bệnh viện quận 9 cũ) công bố số tiền hỗ trợ Tết là 10 triệu đồng/người với nhân sự làm đủ 12 tháng. Từ giám đốc đến nhân viên (kể cả nhân viên hợp đồng) đều được chi mức ngang nhau. 

Ngoài ra, có 6 bệnh viện công lập trên địa bàn TP có mức tiền thưởng Tết khiêm tốn, chỉ vài trăm nghìn đồng đến dưới 5 triệu đồng. Đó là Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Nhân Ái (điều trị bệnh nhân HIV/AIDS), Bệnh viện quận 8, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện quận 6, Trung tâm Giám định y khoa TP.HCM, Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện huyện Củ Chi, BV Đa khoa khu vực Củ Chi.

Bệnh viện ở TP.HCM có mức thưởng Tết chênh lệch giữa nhóm đa khoa và chuyên khoa. (Ảnh: GL)

Sở Y tế TP.HCM nhận định phải tự chủ tài chính trong khi kết cấu nguồn thu viện phí chưa được tính đúng tính đủ, sức lao động của nhân viên y tế có thể ngang bằng nhau nhưng mức thu nhập chênh lệch nhau rất nhiều do đặc thù chuyên khoa của mỗi bệnh viện. Đây là một trong những lý do khách quan, giải thích sự khác biệt về tiền thưởng Tết và mức thu nhập tăng thêm hằng tháng của các bệnh viện.

Trong thời gian tới, nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách để giúp các bệnh viện công lập tự chủ một cách bền vững vẫn là thách thức với ngành y tế TP.HCM.

Trước đó, Bệnh viện Da liễu TP.HCM công bố mức thưởng Tết Nguyên đán năm nay là 75 triệu đồng/người, đồng đều giữa giám đốc, bác sĩ, bảo vệ, hộ lý (nếu làm đủ từ 12 tháng), ngoài ra còn lương tháng 13.

Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM thưởng 41 triệu đồng/người, Viện Tim TP.HCM thưởng Tết dương lịch 10 triệu đồng/người, Tết Nguyên đán 35 triệu đồng/người và lương tháng 13. Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thưởng 12 triệu đồng/người.

Ở khối đa khoa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định thưởng 20-30 triệu đồng một nhân viên, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức thưởng 11 triệu đồng/người.

Đáng chú ý, Bệnh viện Chợ Rẫy gây bất ngờ với mức thưởng cao ấn tượng: thưởng Tết 65-100 triệu đồng/người (mức thưởng cao thường ở bệnh viện chuyên khoa).

Năm qua, hoạt động khám chữa bệnh phục hồi, nhiều khó khăn được tháo gỡ giúp bệnh viện phát triển, tăng nguồn thu, nhiều bệnh viện đa khoa tăng mức thưởng Tết. Đó là nỗ lực rất lớn của các cơ sở y tế trong bối cảnh trang thiết bị y tế, thuốc có giai đoạn thiếu thốn và khan hiếm.

Nhiều người cho rằng ở một số nơi, mức thưởng Tết từ giám đốc bệnh viện đến nhân viên đều bằng nhau là một chính sách nhân văn.

Thưởng Tết của các bệnh viện phụ thuộc vào tình hình hoạt động của cơ sở y tế, chênh lệch thu chi từng năm. Những năm đại dịch Covid-19, lãnh đạo các bệnh viện phải nỗ lực xoay xở để có nguồn chi thưởng, động viên y bác sĩ sau thời gian chống dịch và đảm bảo cơ bản đời sống.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới