Chiều 9/1, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Bệnh viện tự chủ nhiều nội dung về tài chính
Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoài danh mục dịch vụ do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại khoản 5 và khoản 6 Điều 110.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như thể hiện tại khoản 7 Điều 110.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chiều 9/1.
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), chưa rõ vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Một số ý kiến nói cần có sự kết nối liên thông phù hợp với một số luật trong thời gian tới sẽ sửa đổi, bổ sung như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Đấu thầu.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong quá trình xây dựng các quy định liên quan đến nội dung này đã thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, đối chiếu với các dự thảo Luật giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), và xin ý kiến của cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật này, bảo đảm sự kết nối liên thông phù hợp với các luật liên quan.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng Bộ trưởng Y tế phối hợp với Bộ trưởng Tài chính quy định phương pháp định giá với dịch vụ khám, chữa bệnh. Bộ trưởng Y tế quy định giá cụ thể dịch vụ khám chữa bệnh thuộc danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám chữa bệnh do ngân sách nhà nước thanh toán; giá dịch vụ không phải do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán nhưng không phải là dịch vụ theo yêu cầu.
7 hình thức xã hội hóa trong bệnh viện
Liên quan đến quy định xã hội hóa trong khám bệnh, chữa bệnh, luật nêu rõ, Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về xã hội hóa, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng, bền vững, hiệu quả, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người bệnh và cộng đồng.
Luật cũng khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoạt động nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận; khuyến khích thành lập quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó, luật quy định cụ thể hình thức xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh với 7 hình thức, gồm: đầu tư thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công - tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế; tài trợ, viện trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Giải trình ý kiến đại biểu liên quan việc quy định hình thức liên doanh, liên kết vào nội dung xã hội hóa của bệnh viện, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho hay, luật đã quy định các hình thức thu hút nguồn lực xã hội khác theo quy định của pháp luật, trong đó gồm hình thức liên doanh, liên kết nên xin phép Quốc hội giữ như dự thảo luật.
Sau khi được Quốc hội thông qua, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.