Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bệnh tiểu đường type 1 có nguy hiểm?

(VTC News) -

Tiểu đường type 1 là bệnh lý mạn tính, do hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin của tuyến tụy, bệnh phải điều trị suốt đời.

Bác sĩ Tạ Thùy Linh, phụ trách khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, tiểu đường type 1 nguy hiểm, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi.

Đây là bệnh lý tự miễn, nghĩa là hệ miễn dịch của chính cơ thể người bệnh tấn công và phá hủy một phần hoặc toàn bộ tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy. Nguyên nhân thường liên quan đến các yếu tố di truyền và tác động của môi trường sống.

Bệnh thường khởi phát bệnh với các triệu chứng khá rầm rộ trong thời gian ngắn như khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân nhanh chóng trong thời gian 2-6 tuần trước khi nhập viện.

Một số trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng hôm mê do nhiễm toan ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu máu. Trong giai đoạn này người bệnh có thể có các biểu hiện khác như đau bụng thượng vị; nôn, buồn nôn dẫn đến có thể chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.

Bệnh nhân tiểu đường loại nên thường xuyên đo đường huyết tại nhà. (Ảnh minh hoạ)

Theo bác sĩ Linh, với bệnh nhân tiểu đường type 1, insulin đặc biệt quan trọng. Nếu sử dụng thiếu insulin hoặc ngừng điều trị insulin đột ngột hoặc kèm theo các yếu tố nguy cơ khác như nhiễm trùng, chấn thương, stress, nhồi máu cơ tim sẽ thúc đẩy nhiễm toan ceton do đái tháo đường. Đây là một biến chứng nặng thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 1 và có thể để lại các di chứng, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiều biến chứng mạn tính khác của đái tháo đường type 1 cũng có thể xảy ra như biến chứng thận dẫn đến suy thận, biến chứng võng mạc dẫn đến mù lòa, các biến chứng mạch máu lớn có thể gặp như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, bệnh động mạch chi dưới, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống và giảm thời gian sống của bệnh nhân.

Bệnh nhân cũng dễ bị hạ đường huyết do sử dụng insulin không phù hợp. Phác đồ sử dụng và liều lượng insulin được các bác sĩ tính toán sao cho phù hợp với đặc điểm bệnh lý của từng bệnh nhân cũng như chế độ ăn và tập luyện. Tuy nhiên, một số bệnh nhân ăn quá ít tinh bột hoặc hoạt động thể chất quá mức có thể gây hạ đường huyết.

Một nguyên nhân thường gặp khác có thể gây hạ đường huyết ở người bệnh là tiêm sai insulin. Bệnh nhân có thể tiêm liều quá cao, quá xa bữa ăn hoặc kỹ thuật tiêm sai dẫn đến việc hấp thu insulin vào cơ thể quá nhanh cũng dẫn đến hạ đường huyết.

Ngoài những lưu ý về chế độ ăn uống, rèn luyện, sử dụng insulin đúng cách, người bệnh cần đề phòng các biến chứng. Ngay cả những người kiểm soát đường huyết tốt thì vẫn có khả năng xuất hiện các biến chứng của bệnh.

Bạn cần lưu ý đi khám nếu có triệu chứng, kiểm tra thấy lượng đường trong máu tăng cao hơn, tê bì, dị cảm hoặc đau ở bàn chân, cẳng chân, có vấn đề về thị lực, vết loét hoặc nhiễm trùng ở bàn chân; tình trạng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.

Các triệu chứng cho thấy đường huyết quá thấp: đói, mệt mỏi, run tay, đổ mồ hôi, khó chịu, nhịp tim nhanh, hoa mắt, chóng mặt. Chỉ số đường huyết dưới 70mg/dL (3.9 mmol/L).

Các triệu chứng cho thấy đường huyết quá cao: khát nước, khô da, mệt mỏi, tiểu nhiều, gầy sút cân.

Khác với tiểu đường type 2 có thể phòng ngừa được bằng lối sống lành mạnh, đái tháo đường type 1 gần như không thể ngăn ngừa được. Quan trọng nhất là cần chú ý các triệu chứng của tăng đường huyết như khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, đặc biệt là trẻ em. Trẻ có người thân (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị tiểu đường type 1 có thể xét nghiệm kháng thể để xác định nguy cơ mắc bệnh.

NHƯ LOAN

Tin mới