Gần 2 tháng kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên và chỉ trong vài ngày thành ổ dịch lớn nhất cả nước, nhiều gia đình ở xã Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) vẫn cửa đóng then cài.
Mặc dù toàn bộ huyện Thuận Thành được chuyển trạng thái giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng từ ngày 26/6 nhưng nhiều người vẫn ám ảnh, họ luôn đề phòng, cảnh giác vì từng phải hứng chịu đại dịch.
Mặc dù nhiều ngày liên tiếp không phát sinh ca bệnh mới và được chuyển sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19 nhưng các con đường ở xã Mão Điền vẫn vắng lặng, ít người qua lại.
PV VTC News tìm đến ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Dung, mẹ của hai bé gái trong bài viết "Bố là bệnh nhân COVID-19 vừa qua đời, hai con nhỏ tự chăm nhau trong khu cách ly" (xóm Công, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành). Ngôi nhà nhỏ xây xong còn chưa kịp quét vôi, bên trong chỉ kê chiếc giường cũ kĩ, góc nhà là ban thờ nghi ngút khói hương của chồng chị Dung - anh Nguyễn Hữu Hùng (BN3055 qua đời hôm 16/5).
Chị Dung cho biết, 2 tháng qua đối với chị như một giấc mơ, cơn ác mộng khiến vợ chồng và con trai cùng mắc COVID-19, sau đó chồng chị - trụ cột trong gia đình qua đời, hai con gái nhỏ là F1 phải tự chăm nhau trong khu cách ly, gia đình bỗng chốc ly tán.
Có những lúc chị chỉ muốn gục ngã, buông xuôi nhưng rồi nghĩ đến con, chị Dung lại gắng gượng.
Chị Dung và 2 cháu Nguyễn Thị Tuyết, và Nguyễn Xuân Mai được độc giả VTC News ủng hộ hơn 700 triệu đồng.
Góa phụ trẻ nói trong nước mắt, rất may mắn, chị được độc giả của Báo điện tử VTC News ủng hộ hơn 700 triệu đồng để mẹ con chị vượt qua được khó khăn trước mắt.
Chị Dung cũng tâm sự, sau khi xảy ra sự việc không may đến với gia đình, nhiều người dân trong làng cũng tổ chức quyên góp, giúp đỡ gia đình chị. Đó là động lực giúp chị và các con vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, ánh mắt chị Dung lại thoáng đượm buồn khi được hỏi về cuộc sống hiện tại. Chị Dung kể, chị và con trai đã được chữa khỏi COVID-19, sau khi về nhà chị và các con tự cách ly tại nhà theo quy định. Nhưng kết thúc thời gian cách ly, chị đi ra chợ mua hàng nhưng bị một số người trong làng xa lánh.
"Từ khi được chữa khỏi bệnh, về nhà tôi vẫn chưa đi làm lại vì một số người còn sợ mình. Đi mua hàng một số người cũng sợ, họ nhìn thấy tôi thì đứng tránh từ xa, một số người để đồ một chỗ rồi bảo tôi tự lấy. Những lúc như vậy tôi thấy tủi thân, chạnh lòng, ngại và sợ không dám đi ra ngoài giao tiếp với ai", chị Dung buồn rầu kể lại.
Người phụ nữ nắm chặt tay con gái út đang ngồi cạnh, lau nước mắt nhìn về ban thờ chồng thở dài: "Chúng tôi đã chiến thắng dịch bệnh, điều mong muốn nhất của tôi là người khác tiếp xúc với tôi không kỳ thị, không nhìn tôi bằng ánh mắt nhìn F0...".
Sau khi chữa khỏi COVID-19, chị Dung về nhà chăm sóc, dạy dỗ con thay người chồng đã mất.
Đối diện với nhà chị Dung là nhà vợ chồng ông Nguyễn Trọng Khuyến, bà Vũ Thị Tuyến. Khi làng bùng dịch, biết mình thuộc diện F1 nên ông Khuyến chủ động khai báo và xin đi cách ly tập trung ở ĐH Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân. Đến ngày thứ 11, ông Khuyến có biểu hiện sốt, được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
"Tôi từng nghĩ rằng "con COVID-19" chỉ "ăn" những người già, những người có bệnh nền, còn những người khỏe mạnh bình thường thì sẽ khó mắc. Vậy mà từ khi tôi dương tính và chữa khỏi bệnh, tôi gần như bị mất khứu giác mặc dù trước kia mũi tôi khá nhạy cảm, cả đường ruột cũng bị ảnh hưởng, trí nhớ của tôi bây giờ lơ đãng", ông Khuyến vẫn chưa hết ám ảnh với những gì vừa trải qua.
Nhà ông Khuyến luôn đóng cổng, hạn chế ra ngoài.
Không chỉ mang di chứng của dịch bệnh mà kinh tế và dự định của gia đình ông Khuyến, bà Tuyến cũng bị COVID-19 cuốn trôi. Theo kế hoạch, cuối tháng trước ông Khuyến sẽ vào miền Nam làm ăn, nhưng chưa kịp đi thì ông bỗng trở thành F0. Do ở vùng dịch nên công ty con gái ông cũng cho nhân viên nghỉ để phòng dịch.
Bà Vũ Thị Tuyến (vợ ông Khuyến) 2 tháng nay chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước từng là F0
Có lẽ vì quá ám ảnh về dịch bệnh nên dù được chữa khỏi và về nhà gần 1 tháng nhưng cổng nhà ông Khuyến lúc nào cũng khóa. Vợ ông cho biết, gạo và thực phẩm được chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ, nếu muốn ăn thêm món khác thì con gái ông bà gọi người giao tới, nhưng họ cũng dặn để đồ ở cổng rồi rời đi.
"Từ hôm về tôi chỉ ở nhà, chưa đi ra khỏi cổng, ban ngày nhà tôi cũng khóa cổng không cho ai vào. Gia đình 3 người ngồi ăn 3 góc, dùng bát đũa riêng, vợ chồng cũng ngủ riêng. Mình phải giữ cho mình, mình ra ngoài cảm giác người ta đối với mình cũng khác vì đây là khu vực từng là trung tâm lây nhiễm, hơn nữa vợ chồng tôi từng là F0, F1. Chúng tôi cố gắng cách ly, giữ gìn để tránh lây lan, mong con gái sớm được đi làm không cả nhà sắp chết đói", ông Khuyến nói.
Anh N.Đ.Q. từng là F0 đã được chữa khỏi bệnh.
Cũng giống như con gái ông Khuyến, ngay khi xã Mão Điền có ca dương tính với SARS-CoV-2, anh N.Đ.Q. (nhân viên Công ty SamSung Display Việt Nam) được công ty thông báo cho tạm nghỉ và được hỗ trợ 85% lương tháng đầu tiên. Điều anh Q. mong muốn nhất là Bắc Ninh sớm dập được dịch, anh Q. được đi làm lại, cuộc sống trở lại bình thường.
"Khi nghe tin trong xóm có người là F0, tôi nhớ lại trước đó từng tiếp xúc với ca bệnh này nên tự nguyện đi cách ly. Tôi chuẩn bị sẵn tâm lý rồi nhưng khi biết mình trở thành F0 tôi cũng hơi hụt hẫng.
Tôi đã được chữa khỏi COVID-19, ra viện hôm 30/5 nhưng chưa đi làm lại, tôi cũng lo ngại khi đi làm mọi người sẽ kỳ thị, xa lánh. Tôi chỉ hơi lo lắng về điều này một chút, còn nơi đây là tâm dịch rồi, rất nhiều người bị mắc COVID-19 nên hàng xóm đối xử với tôi rất bình thường", anh Q. chia sẻ.