Ngày 10/5, tại cuộc hội chẩn liên viện về các ca COVID-19 nặng, các chuyên gia cho biết ngoài bệnh nhân 91 (phi công người Anh), trường hợp nặng còn lại là bệnh nhân 19 đang phục hồi tốt.
Bệnh nhân 64 tuổi này không sốt, phổi thông khí rõ, không ran, kiểm soát huyết áp tốt. Bà có thể tự túc ăn cơm, uống nước. Bệnh nhân đang thở oxy không xâm nhập, được bù nước và điện giải, điều trị hỗ trợ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).
Đây là ca mắc COVID-19 có thời gian điều trị dài nhất. Bệnh nhân nhập viện từ ngày 7/3, đến nay đã hơn 2 tháng nằm viện, không ít lần rơi vào trạng thái nguy kịch, 3 lần ngừng tuần hoàn, phải đặt ECMO, lọc máu.
Hội chẩn liên viện để tìm phương án ghép phổi cho bệnh nhân 91.
Trong khi đó, đối với bệnh nhân 91, các chuyên gia cho biết ghép phổi là cơ hội cuối cùng, ngoài ra không còn biện pháp điều trị nào hiệu quả. Phổi ghép có thể lấy từ người hiến tặng chết não hoặc người cho còn sống (là thân thân).
Nếu có phổi hiến tặng, các bác sĩ phải đánh giá bệnh nhân về toàn trạng xem có thể ghép được không, phổi người hiến có hòa hợp về nhóm máu, miễn dịch không. Người hiến và người nhận chỉ nên chênh lệch về chiều cao, cân nặng, kích thước lá phổi không quá 20%...
Tại Việt Nam, Bệnh viện 103 có khả năng ghép phổi từ người cho còn sống, Bệnh viện 108 và Bệnh viện Việt Đức có thể ghép phổi từ người hiến chết não.
Video: Nhìn lại 3 tháng chống dịch của Việt Nam