“Miệt thị COVID” trở thành vấn nạn của nhiều khu vực ở xứ sở lá phong. Một bộ phận người dân nước này tin rằng chính phủ nên công khai danh tính người nhiễm virus để họ bêu riếu.
Trong một khoảng thời gian, Cortland Cronk (26 tuổi), nhân viên bán hàng thường xuyên phải đi công tác, là bệnh nhân COVID-19 nổi tiếng nhất ở Canada, theo New York Times.
Tên tuổi của Cronk lan truyền khắp xứ sở lá phong sau khi anh nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi tháng 11/2020. Anh bị nhiễm bệnh trong lúc đi công tác.
Cortland Cronk phải trốn chạy khỏi sự công kích của người dân địa phương. (Ảnh: New York Times)
Cronk bị công chúng gán cho những biệt danh như “kẻ giết người”, “tên dối trá” hay “đồ phát tán virus”.
Các meme trên Internet minh họa anh trong bộ dạng của “kẻ đánh cắp Giáng sinh” Grinch bởi đợt bùng phát đó đã hủy bỏ nhiều bữa tiệc cuối năm. Rất nhiều người, trong đó có cây viết của một tờ báo, hùa nhau chế nhạo chàng trai 26 tuổi.
Cronk cũng nhận được vô số tin nhắn, cuộc gọi dọa giết. Do đó, anh quyết định rời bỏ quê hương Saint John để tới Victoria - thành phố ở đầu bên kia quốc gia, cách 3.600 dặm.
“Họ làm như tôi cố tình mắc COVID-19. Tôi nhận hàng trăm lời dọa giết mỗi ngày. Họ nói rằng tôi nên bị ném đá, hành hạ công khai”, Cronk chia sẻ với New York Times.
“Miệt thị COVID” (COVID-shaming) trở thành vấn nạn của nhiều khu vực ở xứ sở lá phong. Điều đó không chỉ bất công đối với bệnh nhân mà còn gây khó kiểm soát dịch bệnh trong nước.
Cụ thể, người dân địa phương không chỉ bắt các chính trị gia, bác sĩ vi phạm quy tắc phòng dịch phải từ chức, nghỉ việc, mà còn chỉ trích, bêu xấu chính thành viên gia đình và hàng xóm của họ.
Sau một năm trải qua đại dịch, một số người Canada bộc lộ một tính cách rất khác. (Ảnh: Reuters)
Nhiều người Canada tin rằng trường hợp của Cronk trở thành ví dụ điển hình để cảnh báo những ai coi thường quy tắc và đặt mạng sống của cộng đồng vào nguy hiểm.
Thậm chí, họ nghĩ rằng những hành vi làm nhục, miệt thị nên được hợp pháp hóa. Cụ thể, bên cạnh việc xử phạt, chính phủ Canada nên công khai danh tính của người nhiễm virus.
Dân Canada nổi tiếng trên thế giới là những người tốt bụng và có tư tưởng công bằng. Tuy nhiên, sau một năm trải qua đại dịch, một bộ phận bộc lộ tính cách rất khác: phán xét, nghi ngờ và ý chí báo thù.
Các đường dây nóng khiếu nại, hay còn gọi là “đường dây chỉ điểm”, được thiết lập khắp Canada.
Kể từ đó, vô số cuộc gọi tố cáo về những người nghi ngờ vi phạm quy tắc phòng dịch, doanh nghiệp không tuân thủ biện pháp giữ an toàn trước COVID-19 hay xe lạ đến từ vùng khác, có khả năng đem theo virus… ập đến liên tục.
Các hội nhóm trên mạng xã hội đầy rẫy câu chuyện về những người bị “dán nhãn” là nguồn lây bệnh tiềm ẩn và bị từ chối phục vụ hoặc đuổi khỏi các cuộc gặp mặt gia đình.
“Vấn nạn này đang ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế dịch bệnh của đội ngũ y bác sĩ chúng tôi”, Ryan Sommers, một trong số 8 bác sĩ ở Nova Scotia kêu gọi người dân địa phương dừng miệt thị lẫn nhau, cho biết.
Một quán bar tại thành phố Montréal (Canada) tháng 6/2020. (Ảnh: Reuters)
Trên thực tế, tỉnh Nova Scotia có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp nhất trong cả nước: chỉ còn 18 ca dương tính tính đến ngày 20/2. Thế nhưng, thay vì an ủi, động viên nhau, người dân lại trở nên quá khích, bác sĩ Sommers nói.
“Chúng tôi muốn tạo ra một chuẩn mực xã hội, nơi mọi người quan tâm, đồng cảm và động viên nhau. Mạng xã hội có thể độc hại hơn cả virus”, ông khẳng định.
Một số người thừa nhận họ sợ bị kỳ thị hơn cả sợ mắc COVID-19.
Chia sẻ với New York Times, Trisha Girouard cho biết một người họ hàng đã báo cáo cô với cơ quan y tế công cộng sau khi biết Girouard lái xe từ nhà ở New Brunswick qua biên giới đến Maine để làm y tá.
Mặc dù đã tự cách ly tại nhà nghiêm ngặt đúng thời hạn, cô gái vẫn không được tham dự bữa tiệc mừng trẻ sơ sinh sắp chào đời của một thành viên trong gia đình.
Cảm giác bị kiểm soát nhất cử nhất động bởi hàng xóm và cả người thân khiến nữ y tá sợ hãi vô cùng, đến mức cô không dám bước vào quán cà phê để xin đi vệ sinh.
Sau khi làm xét nghiệm Covid-19 bắt buộc lần thứ hai, Jennifer Hutton, giám đốc IT của một công ty cung cấp thiết bị y tế, đã sắp xếp sẵn đồ đạc vào vali, chuẩn bị tâm thế rời khỏi Halifax nếu kết quả dương tính.
Hutton phần nào hình dung được trang nhất của một tờ báo nào đó nói rằng chính cô đã đem virus về cộng đồng.
Thực tế, sau khi kết thúc chuyến công tác, nữ giám đốc phải chịu sự tiếp đón lạnh lùng từ các cửa hàng trong khu vực sinh sống. Một dòng chữ tục tĩu cũng được dán lên xe cô ấy.
“Tôi không thể chịu đựng thêm bất kỳ sự kỳ thị nào nữa”, cô nói.
Cronk bị đào bới đời tư cá nhân để đổ lỗi. (Ảnh: New York Times)
Nhưng không phải nạn nhân nào cũng trở nên “nổi tiếng” như Cronk. Chàng trai 26 tuổi không có triệu chứng ban đầu nào sau khi kết thúc chuyến công tác, vì vậy theo quy định, anh không phải tự cách ly.
9 ngày sau, Cronk mới xuất hiện một vài triệu chứng và xét nghiệm dương tính với COVID-19, các nhân viên y tế bắt đầu truy vết.
“Saint John rất nhỏ. Khi ấy tôi đã biết chắc rằng sớm hay muộn thì họ cũng biết tên tuổi mình”, anh nói.
Vì vậy, anh đã tiếp cận Tập đoàn Truyền thông Canada (CBC) để “chia sẻ câu chuyện, tránh những điều tiếng thêu dệt, truyền tai nhau trong cộng đồng”. Cronk được biết không có ai từng tiếp xúc với anh bị nhiễm virus cả. Cảnh sát cũng không truy tố hay bắt phạt anh.
Thế nhưng, người dân Canada vẫn “truy sát” anh. Họ vào trang Instagram cá nhân của chàng trai và đào bới thông tin, cố gắng tìm bằng chứng cho thấy Cronk cố tình lây nhiễm virus ra cộng đồng.
“Chẳng có bài học nào ở đây cả. Thực tế là tôi bị nhục mạ vì chẳng lý do gì”, anh chia sẻ với New York Times.