Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bệnh nhân COVID-19 dương tính trở lại có thể lây cho người khác?

(VTC News) -

Hiện tượng bệnh nhân COVID-19 có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona sau khi bình phục đặt ra thêm nhiều câu hỏi cho các nhà khoa học.

Nguy cơ tái nhiễm

Các chuyên gia y tế Hàn Quốc đang tìm cách lý giải lí do vì sao 163 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc, dù chưa có số liệu chính thức.

Điều này đặt ra vấn đề rằng liệu người khỏi bệnh có nguy cơ tái nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

COVID-19 là mầm bệnh nhiều thách thức nhất trong vài thập kỷ qua.

Theo số liệu của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (KCDC), ở Hàn Quốc, tỉ lệ "tái dương tính" rất thấp, chỉ ở mức 2,1% trên tổng số 7.829 ca bình phục. Tuy nhiên, Hàn Quốc chưa công bố có bao nhiêu trường hợp được xét nghiệm lại.

Hiện tượng người khỏi bệnh xét nghiệm dương tính là điều đáng lo ngại, kể cả với những nước kiểm soát tốt dịch bệnh như Hàn Quốc.

Theo Phó Giám đốc KCDC Kwon Joon-wook, 44% các bệnh nhân "tái dương tính" có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bệnh nhân "tái dương tính" có thể tiếp tục lây nhiễm.

Dù vậy, ông vẫn cảnh báo rằng các nhà khoa học vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về loại virus này, bao gồm cả năng lực miễn dịch tự nhiên.

"COVID-19 là mầm bệnh nhiều thách thức nhất mà chúng ta phải đối mặt trong vài thập kỷ qua", ông Kwon nói.

Tái dương tính khó lây nhiễm cho người khác

Theo Phó Giám đốc KCDC, không có dấu hiệu nào cho thấy bệnh nhân "tái dương tính" có thể lây nhiễm tiếp cho người khác.

"Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng không có mối đe dọa truyền nhiễm lần hai hoặc lần ba", ông Kwon nói. Theo khuyến cáo của KCDC, các bệnh nhân sau khi được chữa khỏi vẫn phải cách ly thêm 2 tuần để đảm bảo không tái nhiễm.

Tuy vậy, khả năng truyền nhiễm của bệnh nhân "tái dương tính" cũng là điều mà các nhà khoa học ở Mỹ phải đau đầu.

"Đây là câu hỏi chưa có lời giải, theo những nghiên cứu tính đến thời điểm hiện tại", Tiến sĩ Deborah Birx, chuyên gia hàng đầu thuộc đội phản ứng chống COVID-19 của Nhà Trắng cho biết.

Bệnh nhân "tái dương tính" khó có thể lây nhiễm tiếp cho người khác.

Ở thời điểm hiện tại, cách giải thích hợp lý nhất cho hiện tượng "tái dương tính" là mẫu xét nghiệm lấy đúng lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể.

KCDC kiểm tra 3 trường hợp xét nghiệm dương tính sau khi khỏi bệnh, trong cùng một gia đình. Các nhà khoa học đã thử "nuôi" lại các mẫu virus của từng người, nhưng không thành công. Điều này cho thấy chúng là những virus bất hoạt.

Giống như nhiều nước khác, các chuyên gia của Hàn Quốc đang sử dụng phương pháp Phản ứng chuỗi polymerase phiên mã ngược (RT-PCR) để xét nghiệm virus. RT-PCR hoạt động bằng cách xác định dấu hiệu gen của virus, hay RNA, trong mẫu thử lấy từ bệnh nhân.

Theo ông Kwon, những xét nghiệm kiểu này quá nhạy đến mức vẫn nhận diện RNA kể cả khi bệnh nhân đã được chữa khỏi.

"Đó là một cách giải thích hợp lý và có cơ sở vững chắc", ông nói.

Giả thuyết tương tự cũng được ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), một trong những chuyên gia đầu ngành của Trung Quốc đưa ra. Trong buổi họp báo tuần trước, ông này cho biết, một bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi vẫn có thể xét nghiệm dương tính vì dư lượng virus trong cơ thể, nhưng điều này không đáng lo ngại.

Video: Bệnh nhân chữa khỏi vẫn có thể tái nhiễm virus corona

Một số giả thuyết khác về nguyên nhân "tái dương tính" cũng được nhắc tới. Trong đó có khả năng virus hoạt động trở lại hoặc xét nghiệm bị lỗi.

Sai số trong xét nghiệm dẫn đến tình trạng dương tính giả và âm tính giả. Điều này xảy ra do một vài nguyên nhân, có thể liên quan đến chất chỉ thị được sử dụng hoặc virus đã biến đổi và không bị nhận diện.

Trong buổi họp báo, ông Kwon nói rằng khả năng xét nghiệm lỗi ít xảy ra. Dù vậy, các bệnh nhân "tái dương tính" vẫn được cách ly đề phòng.

"Chúng ta cần phân tích rõ hơn", Phó Giám đốc KCDC nói. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc đang nghiên cứu các trường hợp còn lại để tìm ra câu trả lời.

Hiện tượng tái nhiễm có thể là ngoại lệ

Khi bệnh nhân bình phục, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể chống lại virus. Kháng thể này rất quan trọng vì chúng sẽ ngăn chặn chính loại virus đó quay trở lại, khi cơ thể đã biết cách đối phó.

Hiện tượng "tái dương tính" đặt ra những nghi vấn về tính hiệu quả của kháng thể trong việc phòng chống và điều trị COVID-19.

Có nhiều nghi vấn về tính hiệu quả của kháng thể trong việc phòng chống và điều trị COVID-19.

KCDC sẽ xét nghiệm 400 mẫu bệnh phẩm từ những bệnh nhân COVID-19 đã bình phục để đánh giá khả năng miễn dịch. Quá trình này có thể mất đến vài tuần.

Khi được hỏi về khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2, Tiến si Birx trả lời: "Trong sinh học, chúng ta không bao giờ muốn nói đến sự bất khả thi".

Theo chuyên gia này, có những trường hợp bệnh nhân hồi phục, sinh ra kháng thể nhưng vẫn khả năng những trường hợp cá biệt không như vậy vẫn có thể xảy ra.

"Ngoại lệ luôn xuất hiện, nhưng lúc này chúng tôi chưa có dấu hiệu nào cho thấy, đây là hiện tượng phổ biến", Tiến sĩ Birx nói.

Minh Ngọc

Tin mới