Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bệnh nhân bị lồng ruột do khối u ruột non gây ra được cứu

Các bác sỹ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển vừa phẫu thuật thành công một ca lồng ruột hy hữu ở người lớn, do khối u ruột non gây ra.

Sáng 25/7, đại diện Bệnh viện Việt Nam – Thủy Điện (Uông Bí, Quảng Ninh) cho biết, các bác sỹ vừa phẫu thuật thành công một ca lồng ruột hy hữu ở người lớn, do khối u ruột non gây ra.

Bệnh nhân là Vũ Thúy Hằng (38 tuổi, trú tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Chị Hằng cho biết, khoảng hơn 1 tháng trước khi nhập viện, chị thường xuyên thấy đau bụng, bụng chướng, đầy hơi, có lúc buồn nôn.

Các bác sỹ phẫu thuật khối u gây lồng ruột ở bệnh nhân nữ. 

Chị Hằng đi khám ở nhiều nơi, được chẩn đoán viêm dạ dày và được sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Do tình trạng đau kéo dài, chị không thể ăn uống, cân nặng bị giảm nhanh chóng từ 57kg xuống còn 46kg.

Ngày 1/7, chị Hằng bị những cơn đau dữ dội vùng thượng vị, cơn đau lan ra hố chậu phải và được đưa tới Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu.

Qua thăm khám cũng như làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp CT. Scanner ổ bụng, các bác sĩ chẩn đoán chị Hằng bị lồng ruột do có khối u tại ruột non và được chỉ định tháo lồng, cắt bỏ khối u.

Ngày 4/7, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển điều trị thành công cho nữ bệnh nhân này. Khối u ruột non kích thước 5x5cm được cắt bỏ.

Ths.BS Nguyễn Vũ - Phó giám đốc Trung Tâm Ung Bướu kiêm Trưởng khoa Phẫu Trị và Xạ Trị thăm khám cho bệnh nhân.

Hiện, tại sức khỏe người bệnh ổn định, ăn uống bình thường, người bệnh tăng 4kg so với trước khi phẫu thuật. 

Theo Ths.BS Nguyễn Vũ - Phó giám đốc Trung Tâm Ung Bướu kiêm Trưởng khoa Phẫu Trị và Xạ Trị, bệnh lồng ruột ở người lớn là bệnh rất ít gặp.

Khác với điều trị lồng ruột ở trẻ nhỏ, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp bơm hơi tháo lồng hoặc phẫu thuật, lồng ruột ở người lớn chỉ có phương pháp phẫu thuật mới giải quyết được dứt và tránh nguy cơ tái phát cho người bệnh.

Lồng ruột ở người lớn chiếm tỷ lệ từ 1-5%, còn lồng ruột ở trẻ em chiếm tỷ lệ 90% và 5% các trường hợp tắc ruột.

Các trường hợp lồng ruột ở trẻ em thường không rõ nguyên nhân, nhưng ở người lớn thì ngược lại: Hơn 90% nguyên nhân do u, chủ yếu là u ở ruột non và đại tràng, một số khác do viêm hạch mạc treo, viêm hồi manh tràng mạn, có túi thừa meckel, manh tràng di động.

Minh Khang

Tin mới