Khỏi COVID-19 một thời gian không lâu, con trai 8 tháng tuổi của chị Hồng Minh (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bắt đầu có tình trạng ăn kém, ngủ ít, vào giấc ngủ rất khó. Nửa đêm, con quấy khóc, trằn trọc không sâu giấc khiến chị Minh cùng chồng rất lo lắng.
Gia đình chị Lan Anh (27 tuổi, Đống Đa) cũng gặp tình huống tương tự khi con gái 6 tháng tuổi bị khó ngủ về đêm, dễ giật mình quấy khóc, ngủ không sâu. Chị Lan Anh tâm sự, bé đã khỏi COVID-19 hơn 1 tuần nay, ban ngày chơi ngủ đều bình thường nhưng tới đêm lại trằn trọc. “Cứ khoảng 1h sáng, cháu thường tỉnh dậy khóc lớn, dỗ mãi mới chịu nín. Trước lúc bị bệnh con ngủ rất ngon, cả đêm không thấy quấy”, chị Lan Anh chia sẻ.
Trên các hội nhóm hiện nay, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại về tình trạng mất ngủ của con sau khỏi COVID-19. Có những trẻ đã lớn, học cấp 1, cấp 2; nhưng cũng có những trẻ còn rất nhỏ, thậm chí mới 3-4 tháng tuổi khiến gia đình rất hoang mang.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khối Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM cho rằng thực tế, chưa nói đến việc nhiễm COVID-19 thì nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ cũng thường gặp phải tình trạng khó ngủ, mất ngủ do một số nguyên nhân.
Đặc biệt, sau khi bị cảm, bị ốm thông thường, một số bé sẽ xuất hiện tình trạng khó ngủ trong một thời gian. Bởi vậy phụ huynh không nên quá lo lắng.
“Trẻ em mà nhỏ quá, như những bé mấy tháng tuổi thì bình thường cũng dễ mất ngủ. Có thể do bé không đủ vitamin D, cũng có thể do cách chăm của cha mẹ”, bác sĩ Khanh nói.
Với những trẻ lớn hơn, đã hiểu chuyện, theo bác sĩ, có thể do bé nghe từ phụ huynh quá nhiều thông tin về COVID-19 nên hoang mang, lo sợ sinh mất ngủ. Cũng có thể trong quãng thời gian cách ly, trẻ có thời gian vui chơi thoải mái, tiếp xúc cả ngày với các thiết bị điện tử nên sẽ khó ngủ hơn.
Bác sĩ Khanh khuyên phụ huynh trước mắt nên bổ sung vitamin D giúp trẻ dễ ngủ. Bên cạnh đó, có thể cho uống thêm một số loại thuốc bổ thần kinh theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Chú ý kiểm tra các yếu tố có thể ảnh hưởng tới giấc ngủ của con như phòng có nóng quá không, có ồn ào không, khi ngủ có cho bé mặc quá nhiều quần áo hay không,…
Nhiều trẻ gặp tình trạng khó ngủ sau khỏi Covid-19. (Ảnh minh họa: parents.com)
Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Mạnh Cường, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc, điều trị F0 tại nhà gợi ý cho phụ huynh một số cách có thể áp dụng để bé ngủ ngon hơn, sâu giấc hơn. Cụ thể:
Giữ phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối, nhiệt độ thích hợp (27 độ C đến 29 độ C) tuỳ độ tuổi từng bé. Nệm, gối thoải mái. Không mặc hoặc quấn tã quá nhiều. Có thể cho bé nghe nhạc nhẹ nhàng trước giờ ngủ (thường là nhạc không lời). Nếu bé đang bú thì tiếp tục cho bú, nhưng không để con bú quá no vì nguy cơ sặc sữa cao.
Bổ sung các vitamin nhóm B: B3, B6, B12 cho con. Massage cổ vai gáy cho bé. Cho con tắm nắng sớm, chăm sóc da liễu khoa học. Tắm và lau người cho bé thường xuyên.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng không thể vội kết luận việc mất ngủ ở trẻ nhỏ là vấn đề hậu COVID-19. “Ở những trẻ lớn (từ học cấp 2 trở lên) bé có thể mất ngủ, khó ngủ do nghĩ nhiều. Nhưng những trẻ còn quá nhỏ thì không thể bị mất ngủ vì stress liên quan COVID-19 được”, PGS nói.
Theo PGS Dũng, mất ngủ chỉ là một triệu chứng, không gọi là bệnh. Có thể bé đã mắc một bệnh nào đó hoặc gặp một vấn đề nào đó gây nên tình trạng này. Bởi vậy, nếu trẻ xuất hiện khó ngủ, trằn trọc không sâu giấc kéo dài, cha mẹ nên đưa con các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên khoa thăm khám để xác định chính xác tình trạng của bé.
PGS cũng nhận định, một tình huống khác có thể là do phụ huynh quá lo lắng cho con sau mắc COVID-19 nên tự cảm thấy bé khó ngủ hơn. “Để xác định chính xác rất khó nên tốt nhất là đưa bé đi khám để khẳng định có đúng con bị mất ngủ hay không và mất ngủ bởi nguyên nhân gì”, PGS Dũng cho hay.
Ông cũng khuyến cáo cha mẹ không nên tự ý mua các loại thuốc ngủ, thảo dược để con uống bởi có thể không giải quyết dứt điểm được nguyên nhân, ngược lại gây nguy hiểm cho bé.