Những ngày qua, vụ việc bé N.T.V.A. (8 tuổi, ở TP.HCM) bị "dì ghẻ" hành hạ tới chết, khiến dư luận phẫn nộ. Ngày 28/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang ("dì ghẻ" của bé V.A., 26 tuổi, quê Gia Lai) về tội hành hạ người khác.
Tối 30/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh cũng đã bắt khẩn cấp Nguyễn Kim Trung Thái - bố ruột bé V.A. để phục vụ công tác điều tra.
Nhiều vết bầm tím trên thi thể bé A.
Trả lời VTC News, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (HBVQTE) cho hay, cá nhân bà và HBVQTE khi nhận được thông tin về vụ việc đều rất đau xót. Đau xót bởi một bé gái rơi vào hoàn cảnh cha mẹ ly hôn, bị bạo hành không phải ở một nơi vùng sâu, vùng xa mà ngay ở giữa thành phố lớn như TP.HCM dẫn đến cái chết thương tâm.
"Điều tôi thấy đó là cháu bé bị bạo hành trong thời gian dài, chứ không phải người "mẹ kế" bực lên đánh một, hai roi. Có trường hợp phụ huynh vì tức giận đánh con, không may vào chỗ hiểm làm cháu bé tử vong. Tình huống đó rất đau xót nhưng họ không lường trước được mà là ngộ sát. Còn sự việc bé A., lại là "mẹ kế" chủ động hành hạ, đánh đập cháu kéo dài. Nhìn những vết thâm đen, cộng đồng xung quanh phát hiện cháu đã kêu khóc bao nhiêu, người sống ở chung cư biết vậy mà đã không can thiệp kịp. Chúng tôi đau xót, bức xúc tột cùng”, bà Hồng nói.
Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.
Theo bà Hồng, trách nhiệm chính ở đây là những người thân, mà cụ thể là cha mẹ của trẻ, còn có trách nhiệm của người dân xung quanh. Truyền thông đã đưa ra ánh sáng rất nhiều vụ trẻ em bị bạo hành và đã được pháp luật xử lý nghiêm. Mọi người đều phải có trách nhiệm trình báo với các cơ quan chức năng để bảo vệ trẻ em, có đường dây nóng bảo vệ trẻ em hoạt động 24/24 (Tổng đài 111).
Trong khu dân cư, cộng đồng thấy rõ những gia đình thuận hoà, êm ấm sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Các cháu bé vẫn ra ngoài chơi, tươi cười, hớn hở, có cả bố mẹ, ông bà thăm nom. Tuy nhiên, nếu phát hiện cháu bé có dấu hiệu bất thường như có tiếng khóc, đánh mắng, có vết bầm tím lớn, rụt rè, dễ giật mình,… thì mọi người cần quan tâm ngay.
“Một em bé mới 8 tuổi như thế mà 22h đêm phải đi đổ rác, nhiều lần nghe thấy em bé khóc. Những người xung quanh cần đặt ra câu hỏi và tiếp xúc xem cháu có hoảng loạn hay hoà đồng để biết được cuộc sống của cháu có được hạnh phúc, bình an không? Đáng tiếc rằng...", bà Hồng nói.
Phó Chủ tịch HBVQTE cho rằng, người thân nhất của bé, cụ thể là người bố cần phải xem xét tại sao để người tình đánh con suốt thời gian dài như thế. Người bố có liên đới, tòng phạm trong vụ việc này không thì cơ quan điều tra phải xác minh, làm rõ.
Bên cạnh đó, ông bà nội ngoại, người thân trong dòng họ… những người thân quen biết cha mẹ bé ly hôn phải quan tâm, không đến thăm cũng phải gọi điện.
Sự việc đau lòng là bé gái A. có ông bà nội là trí thức, tại sao không quan tâm như gọi điện, qua thăm hay đón riêng cháu đi chơi hỏi xem cuộc sống cháu ra sao? Dư luận bức xúc về những người thân đã không quan tâm bé là đúng. Phải phát hiện ngay sự việc từ trong gia đình, từ những người thân thiết.
Có trường hợp trẻ không bị bạo hành về thể xác, nhưng bị bạo hành về tinh thần. Trẻ không bị đánh nhưng doạ nạt, chửi bới khiến trẻ hoảng loạn, không phát triển. Người thân, cộng đồng xung quanh phải có tình cảm, tình thương với cháu bé mới phát hiện ra những dấu hiệu này.
“Tôi phải nói rằng, chúng ta có truyền thông rộng rãi, nhưng có những người biết mà không làm. Có nghĩa họ cảm thấy đó không phải chuyện nhà mình nên không cần quan tâm, tư tưởng "đèn nhà ai nhà nấy rạng" vẫn còn. Không ít người nghĩ nếu can thiệp vào nhỡ bị chửi, không được ơn lại mắc oán. Những suy nghĩ đó vẫn còn.
Thay vì cắm nến, cắm hoa để tưởng niệm cho cháu bé thì tại sao chúng ta khi nghe thấy cháu khóc, nghi bị bạo hành không giúp đỡ cháu đến cùng? Ở đây có cả những người dân không biết và có người dân biết, nhưng nghĩ không phải việc của mình. Truyền thông phải xem xét tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo để bảo vệ trẻ em tốt hơn”, bà Hồng chia sẻ.
Nhiều người thắp nên tưởng niệm bé A. tại khuôn viên chung cư nơi bé sinh sống.
Về phía HBVQTE, bà Hồng cho hay, Hội muốn cảnh báo rằng, tình trạng ly hôn, ly thân chung sống như vợ chồng đối với người trẻ hiện nay khá nhiều. Với các gia đình ly hôn, ly thân mà có con, thì ông bà, chú bác, dòng họ phải quan tâm đến con em mình hơn. Cần tìm hiểu xem đứa trẻ có được bảo vệ tốt không.
Một điều nữa là không phải chờ đến khi thấy cháu bé bị đánh đập, kêu khóc thì tổ dân phố mới vào cuộc. Tổ dân phố phải có trách nhiệm tìm hiểu gặp riêng em bé. Phải có kỹ năng tiếp xúc riêng để nghe cháu chia sẻ nỗi niềm, xem có cần giúp đỡ gì không. Lúc đó chúng ta mới bảo vệ được các con, các cháu. Nếu phát hiện sự việc cháu bé có dấu hiệu bị bạo hành, phải báo ngay với lực lượng chức năng xử lý.