Thời gian qua, Hà Giang xác định cây cam Sành là cây trồng chủ lực, góp phần quan trọng cho mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Để thực hiện điều này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương, trong đó có vai trò chủ đạo của ngành Nông nghiệp tích cực tham mưu cho tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng cam Sành Hà Giang.
Trên cơ sở đó, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản đã khẳng định vai trò “bệ đỡ” trong quá trình phát triển và nâng cao chất lượng của trái cam Sành. Đặc biệt là mục tiêu mở rộng sản xuất cam Sành theo tiêu chuẩn VietGAP.
Những trái cam Sành VietGAP được thương lái thu mua tận vườn tại huyện Bắc Quang.
Trả lời PV, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản cho biết: Trước nhu cầu ngày càng "khó tính" của thị trường, sản phẩm nông nghiệp sạch luôn là ưu tiên hàng đầu. Xác định được điều đó, tỉnh đã chú trọng đưa trái cam Sành trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh và chú trọng khuyến khích đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với nhiều chương trình hỗ trợ phục hồi các diện tích cam; các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp từ các nghị quyết của HĐND tỉnh, các địa phương đã được triển khai hiệu quả để phát triển, nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm cam Sành.
Theo đó, trong năm 2017, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 75-KH/UBND, ngày 22/3/2017, về thực hiện đảm bảo 1.000ha cam theo tiêu chuẩn VietGAP với mục tiêu phấn đấu hết năm 2017, toàn tỉnh sẽ có trên 1.600ha cam đạt tiêu chuẩn VietGAP, đạt trên 44% diện tích cam cho thu hoạch trong vùng chỉ dẫn địa lý.
Theo đó, Chi cục đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện với quy mô diện tích trên 1.230ha với 22 vùng/22 cơ sở, đạt 123,6% kế hoạch tỉnh giao.
Với nỗ lực của Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với các ngành, các địa phương cùng với người trồng cam trong triển khai mở rộng diện tích cam theo tiêu chuẩn VietGAP, các địa bàn như huyện: Bắc Quang, Vị Xuyên và Quang Bình, chúng ta dễ dàng được thấy những vườn cam VietGAP đã "thay da, đổi thịt" căng tràn sức sống và đầy sự tươi mới.
Đây cũng chính là cơ sở để những trái cam Sành Hà Giang tự tin vươn xa, tiêu thụ không chỉ trong mà còn ngoài tỉnh, vươn tới các thành phố lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh và tới đây có thể sang các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
Anh Nông Thành Tâm, hộ trồng cam ở xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, cho biết: "Với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện về vốn vay, cùng với sự nỗ lực của cả gia đình, đến nay diện tích cam Sành của gia đình anh có 4ha, trong đó có trên 2ha cho thu hoạch.
Đặc biệt, để cam có chất lượng hơn, có giá thành cao hơn, anh đã phát triển 2ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP...".
Những năm qua, cam được tiêu thụ tốt, có giá tốt, mang lại sự ổn định, yên tâm cho gia đình anh Tâm cũng như nhiều gia đình ở xã Hương Sơn. Có được kết quả này có vai trò hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ chợ các cơ chế, chính sách rất quan trọng của tỉnh, huyện, đặc biệt là Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản tỉnh.
Có mặt tại những địa điểm tiêu thụ cam Sành VietGAP Hà Giang tại Hà Giang và một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM… chúng tôi dễ dàng nhận thấy người tiêu dùng rất quan tâm đến sản phẩm canh Sành Hà Giang, đặc biệt là cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Điều đó cho thấy, hướng phát triển nông nghiệp sạch, tiêu chuẩn VietGAP là điều rất cần thiết đối với ngành Nông nghiệp của Hà Giang. Từ đó, giúp chúng ta tiếp cận với xu thế phát triển của cả nước và thế giới.
Video: Na Lạng Sơn 50.000 đồng/quả vẫn hút khách Thủ đô