Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bé 4 tuổi ở Hà Tĩnh bị chó cắn lóc da đầu, rách mặt

Vết cắn khiến bé gái bị thương nhiều ở vùng đầu, mặt, chảy nhiều máu.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa cấp cứu bé 4 tuổi bị thương nặng vùng mặt, cổ do bị chó nuôi cắn. Sự việc xảy ra khi bé đang chơi đùa ờ nhà. Vùng mặt và đầu của bé bị chảy nhiều máu nên được gia đình nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi có đa vết thương phần mềm vùng mặt, mắt và vết thương lóc da đầu do bị chó cắn. Để điều trị, bé được sơ cứu, xử lý vết thương thương hở và theo dõi tình trạng sức khỏe.

 Bé 4 tuổi bị chó cắn bị thương phải nhập viện. (Ảnh: BVCC)

Đây không phải là trường hợp đầu tiên các bác sĩ Hà Tĩnh cấp cứu cho bệnh nhân bị chó cắn.

Vài ngày trước, tại huyện Hương Sơn đã xảy ra vụ chó lao vào cắn 5 người, trong đó bé gái 5 tuổi phải khâu 13 mũi với các vết thương chi chít đầy mặt. Ngoài ra, tay và chân của bé gái cũng bị chó cắn sâu, trầy xước.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Thắng - trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, gần đây, có nhiều trường hợp tai nạn thương tâm, thậm chí thiệt mạng do chó cắn. Đặc biệt là khi mùa hè tới, nguy cơ mắc bệnh dại càng gia tăng, nhưng một số người có tâm lý chủ quan, bị chó cắn nhưng không đi khám mà tự ý điều trị tại nhà hoặc chữa mẹo hay dùng thuốc nam.

Theo các chuyên gia, bệnh dại không thể phát hiện bằng mắt thường, và việc điều trị bằng thuốc nam đến nay chưa có biện pháp nào khẳng định được hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại. 

Các bước xử lý khi bị chó cắn

Sau khi bị chó cắn, bất kể là chó khỏe mạnh hay chó ốm, người dân đều phải xử trí theo các bước như sau:

Bước 1: Vệ sinh vết thương

Sau khi bị chó cắn, việc đầu tiên cần làm là vệ sinh vết thương, bao gồm: rửa vết thương bằng nước thường, tốt nhất là rửa trôi dưới vòi nước chảy, gần cống nước chảy để các chất bẩn theo cống thoát đi, không bị đọng lại trên sàn tắm. 

Không rửa chân trong chậu, nếu không có vòi nước có thể dùng gáo múc ra để rửa. Sau đó rửa vết thương bằng xà phòng. Bởi xà phòng có thể làm rửa trôi vết bẩn và làm tan một phần virus.

Tiếp tục bôi cồn i-ốt vào vết thương để sát khuẩn, nếu không có cồn có thể dùng rượu trắng. Cách làm này sẽ làm giảm thiểu tối đa virus xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn. Theo các bác sĩ, nếu xử lý tốt bước này, sẽ có tỷ lệ giảm tới 50% nguy cơ bị nhiễm bệnh dại từ động vật.

Bước 2: Tiêm phòng dại

Sau khi bị chó nghi bị dại cắn, nạn nhân cần đi tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt mà không cần phải theo dõi con vật.

Nếu vết máu gần vị trí thần kinh trung ương thì phải tiêm cả huyết thanh kháng dại càng nhanh càng tốt. Với vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương thì chỉ cần tiêm vắc xin dại. Khi đi tiêm, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp.

Thời gian tiêm phòng theo lộ trình người bệnh cần theo dõi từng biểu hiện của con chó. Khi có những dấu hiệu bất thường, cần gặp ngay bác sĩ để được trợ giúp.

Video: Cả nhà bị chó cắn, 2 bố con chết vì bệnh dại

Phạm Quý

Tin mới