Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bé 11 tuổi ra mồ hôi máu: Mồ hôi máu là gì, nguyên nhân mồ hôi đỏ như máu?

Mỗi khi căng thẳng, bệnh nhi 11 tuổi ở Gia Lai lại có triệu chứng ra mồ hôi máu, đây là căn bệnh rất hiếm gặp cả ở Việt Nam và trên thế giới.

Mới đây, Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, Bình Định) tiếp nhận một bé gái H.T.Q.N (11 tuổi) ở Đắk Đoa, (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có biểu hiện thường ra mồ hôi có màu đỏ trên mặt.

Theo lời kể của bố bệnh nhi - ông H.V.T, con ông gặp tình trạng trên chỉ mới khoảng vài tháng gần đây khi đang ôn thi học kỳ. Mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng thì N. lại xuất hiện mồ hôi máu, kèm theo bị đau đầu và da mặt căng.

“Gia đình, họ hàng nhà tôi không có ai bị như vậy cả. Quá lo lắng chúng tôi có đưa cháu đi khám và được chẩn đoán là viêm da, nhưng, uống thuốc mãi không đỡ”, ông T. cho biết.

Sau khi khám chữa một vài nơi, tình trạng con gái không mấy tiến triển, ông T. đưa con về Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa để điều trị.

 Bé N. bị chứng bệnh lạ mỗi khi vận động hoặc căng thẳng sẽ toát ra "mồ hôi máu".

Thông tin về ca bệnh, TS.BS. Nguyễn Thế Toàn cho biết, tất cả các xét nghiệm máu và siêu âm gan, thận của bệnh nhi đều bình thường và không có rối loạn.

Ngoài ra, khi xét nghiệm mồ hôi của N. các bác sĩ chỉ phát hiện thành phần bạch cầu mà không thấy hồng cầu.

Hiện tại, để có kết luận chính xác tình trạng sức khỏe, bé N. phải tiếp tục thực hiện các xét nghiệm khác.

Theo BS Toàn, đây là bệnh rất hiếm gặp tại Việt Nam, cũng chưa có phác đồ điều trị cho bệnh này nên bệnh viện chỉ giúp giảm các triệu chứng lo âu, căng thẳng cho bệnh nhi để phần nào giảm bớt tình trạng trên.

Trên thế giới, Hematohidrosis (hay còn gọi là mồ hôi máu) là một hiện tượng lâm sàng hiếm gặp, người bệnh thường ra mồ hôi và khóc ra máu.

Hematohidrosis còn có nhiều tên gọi khác như hematidrosis hay hemidrosis, đây là một tình trạng mà trong đó mao mạch máu nuôi các tuyến mồ hôi bị vỡ, làm cho chúng chảy máu, xảy ra trong điều kiện căng thẳng về thể chất hoặc tình cảm cực đoan.

 Trên thế giới cũng ghi nhận một số trường hợp gặp phải tình trạng toát mồ hôi máu và khóc ra máu

Ảnh: Minh họa

Ở một số nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân dẫn đến ra mồ hôi máu rất đa dạng. Tuy nhiên, chủ yếu là do sợ hãi, căng thẳng cấp tính tạo nên.

Theo các chuyên gia, rất nhiều mạch máu li ti hình thành xung quanh tuyến mồ hôi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu người trong cuộc bị áp lực quá lớn (stress). Khi căng thẳng, lo lắng quá mức các mạch máu này giãn ra tới khi bị vỡ, máu và tuyến mồ hôi trộn lẫn đẩy lên bề mặt hoặc tiết ra ngoài cùng với nước mắt.

Ngoài ra, khi lo lắng quá mức sẽ dẫn tới kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm để đối phó với sự căng thẳng hoặc phản ứng chống căng thẳng – đây chính là thủ phạm gây ra hiện tượng mồ hôi máu và khóc ra máu.

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để bệnh này, tuy nhiên, để hỗ trợ điều trị, các bác sĩ thường dùng thuốc kiểm soát, chống căng thẳng, qua đó sẽ kiểm soát được tình trạng chống rỉ máu.

Video: Chảy máu mũi khi thấy "cảnh nóng" có phải sự thật?

>>> Đọc thêm: Rách mí mắt, Tiền vệ Quang Hải đội tuyển Olympic Việt Nam có gặp nguy hiểm không?

Phạm Quý

Tin mới