Mới tiếp quản chức Chủ tịch CLB Thanh Hóa từ giữa lượt đi nhưng doanh nhân Nguyễn Văn Đệ không phải gương mặt xa lạ với bóng đá Việt Nam. Từng có lúc ông là một trong những ông bầu gây ồn ào nhất của V-League với cách làm bóng đá bị coi là chẳng giống ai và cả những phát biểu gây sốc nhắm vào VFF, VPF.
Có lẽ không cần nhắc lại những giai thoại về bầu Đệ. Báo điện tử VTC News tìm gặp vị Chủ tịch CLB Thanh Hóa lần này để được nghe những trải lòng về một trong những đặc trưng trong cách làm bóng đá của ông, một yếu tố khiến cho các cổ động viên xứ Thanh lúc thì yêu, khi lại trách bầu Đệ.
Ông Đệ trở lại ghế Chủ tịch CLB Thanh Hóa như một vị cứu tinh, thậm chí chưa cần tới chuỗi tám trận bất bại liên tiếp để đội bóng này leo một mạch từ bét bảng lên top 4. Chỉ riêng cái tên Nguyễn Văn Đệ đủ để mang đến sự lạc quan cho cổ động viên xứ Thanh.
Không chỉ vì ông chủ doanh nghiệp Hợp Lực là một nhân vật có danh, có thế ở địa phương, uy tín của ông với bóng đá Thanh Hóa được gây dựng từ mối duyên trong quá khứ. Dưới thời bầu Đệ trước kia, người hâm mộ xứ Thanh từng có lúc thấy chức vô địch nằm trong tầm tay đội bóng quê hương.
Bản thân bầu Đệ cũng cảm thấy như vậy, nhưng ông lại từ bỏ đúng vào thời điểm bóng đá Thanh Hóa đang sẵn sàng cho một cú nhảy đến vinh quang. Nói một đội bóng đua top đầu bảng hai năm liền gặp khó khăn về tiền bạc chắc ít người tin, nhưng ông Đệ thừa nhận khi đó đúng là không cố được thêm nữa.
“Đời làm bóng đá tôi tiếc nhất là phải bàn giao đội Thanh Hóa lúc đỉnh cao nhất, sắp đến ngưỡng vinh quang rồi. Rất buồn là chỉ vì điều tiết một số ngân sách hoạt động khi đó, tinh thần đã mệt mỏi rồi. Giá như các ngành các cấp hỗ trợ một chút về tài chính, hoặc FLC tài trợ năm, bảy tỷ rồi đợi đến hết mùa mới vào”, bầu Đệ tiếc nuối.
“Đây là nguyên tắc tổ chức, khi bàn giao thì vận động viên và cán bộ, nhân viên bị dao động. Đến chân trời mới, tổ chức mới họ bị xáo trộn. Sang đến giai đoạn 2, trên cơ sở nền tảng tốt như vậy và tăng cường thêm mà không vô địch được. Tôi khẳng định 100% nếu tài chính ổn định, để tôi cầm hết mùa giải thì Thanh Hóa vô địch V-League 2015”.
Thanh Hóa mùa giải 2015 là đương kim á quân và tiếp tục đua vô địch với Becamex Bình Dương, khi đó vẫn là thế lực số một của bóng đá Việt Nam. Sự đổi chủ mang lại hiệu ứng tích cực trong một thời gian, khi đội bóng xứ Thanh chiếm được ngôi đầu bảng. Tuy nhiên sự sa sút ở cuối mùa khiến họ chỉ cán đích ở vị trí thứ ba.
“Từ khi tôi theo bóng đá, đến nay là 10 năm, thì đó là bài học đắt giá nhất. Năm tôi bàn giao cho FLC là năm mà nếu phấn đấu thì vô địch chắc chắn 100%. Khi tôi bàn giao Thanh Hóa đang đứng đầu bảng (chính xác là nhì bảng sau lượt đi V-League 2015– PV), lực lượng rất hùng hậu”, bầu Đệ chia sẻ.
Bầu Đệ dùng chữ “tiếc” để nói về cuộc chia tay và chữ "xót" khi nhắc đến ngày tái ngộ. Đội Thanh Hóa mà tay ông bàn giao cho người khác là một ứng viên vô địch. Ông gọi đó là "cơ nghiệp". Nhưng sau bốn năm, tài sản mà ông Đệ tiếp quản là đội bóng đang đứng bét bảng với chuỗi bảy trận liền không thắng.
“Thực trạng đội bóng không còn nguyên vẹn như trước nữa, tôi cũng thấy xót xa. Tôi từng tự nói với lòng mình là sẽ không quay lại bóng đá. Tuổi tác cao, sức khỏe yếu rồi”, ông Đệ tâm sự.
“Nhưng tình hình bết bát như vậy, lãnh đạo tỉnh động viên và đặc biệt là nghe tiếng than thở của người dân xứ Thanh, tôi phải vào cuộc để giúp đội bóng phần nào giữ lại thương hiệu. Đội Thanh Hóa chơi ở V-League bao nhiêu năm, nếu mà để rớt hạng thì tôi có lỗi".
"Làm bóng đá, thắng thì tung hô để đưa thương hiệu quê hương xứ Thanh bay xa. Nhưng chỉ cần thua một trận thua là nhức đầu ngay. Quy luật vậy thôi. Sự mong mỏi, khát vọng của người hâm mộ là muốn quê mình lúc nào cũng thắng. Nhưng mà bóng đá lúc nào cũng thắng mãi thì ai chơi với mình, phải có thắng có thua. Vấn đề là thắng thế nào, thua thế nào".
Bàn làm việc của bầu Đệ đặt một bức tượng Bác Hồ và ở sau lưng, phía trên cao là dòng chữ: Doanh nhân – người lính thời bình. Ông Đệ từng làm trong ngành công an và vẫn giữ được chất lính trong tác phong, cách nói chuyện của mình. Cứng cỏi, đề cao nguyên tắc và có một chút gì đó… cũ kỹ.
Bầu Đệ làm bóng đá cũng như vậy, bây giờ vẫn không khác trước kia và không ít người cảm thấy đó không phải là cách làm phù hợp với xu thế hiện đại. Tuy nhiên theo quan điểm của ông, môi trường bóng đá chưa lý tưởng thì không thể áp dụng mô hình quản trị lý tưởng. Ví dụ như chuyện nhiều người nói bầu Đệ làm bóng đá kiểu “tập quyền” vì can thiệp sâu vào công việc của HLV trưởng.
“Bóng đá Việt Nam nếu đã chuyên nghiệp thì giao cho HLV trưởng toàn quyền là chuẩn mực, nhưng chúng ta đang phấn đấu đi lên chuyên nghiệp mà vấn đề tiêu cực đâu đó vẫn đang còn, nên phải đặt câu hỏi", bầu Đệ lý giải.
“Trong 5 năm làm bóng đá tôi đã thanh lý 5 HLV trưởng, mỗi lần là một bài học kinh nghiệm. Bóng đá đã để lại cho tôi nhiều dấu ấn tích cực, kinh nghiệm quản lý nhưng cũng để lại những bài học đắt giá mà chỉ có những người trong cuộc mới hiểu. Ví dụ như có hay không chuyện HLV trưởng độc quyền quản lý đội bóng? Nếu HLV trưởng độc quyền thì sẽ có chuyện tư tưởng, cầu thủ ra sân không hết mình. Có hiện tượng HLV ăn tiền “cò” và tôi nhớ, cá biệt thôi, có người ăn cả thưởng, cả lương. Ông bầu mà không biết việc này thì có nghĩa là nuôi quân mà quân không có hồn, ra sân cũng không cống hiến hết được”.
Bầu Đệ rất hào hứng chia sẻ về những nguyên tắc làm việc với HLV trưởng mà ông tự tay viết ra, lưu vào điện thoại và gọi đó là một "nghệ thuật" để ngăn chặn tiêu cực. Ví dụ khi tuyển mộ ngoại binh, đích thân ông phải làm việc với cầu thủ trước để biết được số tiền mà họ đòi hỏi là bao nhiêu, sau đó mới đưa cho HLV kiểm tra chuyên môn.
“Có thể vận động viên và huấn luyện viên có thỏa thuận ngầm với nhau, kể cả cầu thủ nội. Họ cho là HLV cao hơn cả ông bầu. Đó là sa sút về chính trị tư tưởng. Sau khi thử việc, do tác động ở nhiều nơi thì có thể số tiền không phải 25 ngàn đô nữa mà bị đẩy lên 70, 80 ngàn", bầu Đệ nói.
"Hay ví dụ chuyện đội hình. Mọi người cứ bảo tôi tham gia sâu vào chuyên môn nhưng tôi tung tiền ra mà không tham gia vào thì khác gì mua quả pháo cho anh đốt.
Tôi yêu cầu đầu tuần tập anh phải cho tôi một cái sơ đồ, bố trí nhân lực con người ra sao. Cho tôi phương án rồi tập, trước ngày thi đấu lại báo cáo với tôi một lần nữa về tình hình. Tránh hiện tượng thỏa hiệp, họ đảo cầu thủ từ vị trí A sang vị trí B rồi báo cáo lại là quân này phân công đá không đạt. Tôi xuống tận sân hỏi thì cầu thủ mới bảo là cháu có phải đá vị trí này đâu.
Tôi không tiện nêu cụ thể nhưng điều này chính là HLV trưởng dạy tôi nên tôi mới có nhiều kinh nghiệm. Đây là biện pháp ngăn chặn (tiêu cực) ngay từ HLV trưởng để không dẫn đến hậu quả. Ông bầu phải nắm được những yếu tố này để quản lý, nhìn nhận và biết trong đầu cầu thủ làm gì. Trước trận đấu, tôi thường nói với cầu thủ là sẽ theo dõi từng bước chân của các em. Giai đoạn 2011-2013 tôi thanh lý rất nhiều cầu thủ vì ra sân họ không phải là đá mà đi chia điểm. Tôi không kết luận nhưng đó là hiện tượng nguy hiểm".
Việc ông bầu theo sát đội bóng đến từng buổi tập, thậm chí đứng cạnh cầu môn hô hào các cầu thủ là một biểu hiện đáng mừng, nhưng sự quan tâm của bầu Đệ có lúc hơi quá mức cần thiết dẫn đến bất đồng với HLV. Ngay cả các cổ động viên xứ Thanh cũng không hoàn toàn ủng hộ cách làm này, nhưng đây là một trong những nguyên tắc quản trị mà ông Đệ tâm đắc nhất.
Dùng người thì phải tin, mà đã không tin thì không dùng. Nhưng có cảm giác là bầu Đệ không thể đặt trọn vẹn niềm tin vào các HLV vì chính những người ông từng làm việc cùng đã có lúc không trung thực. Ông Đệ hai lần nhắc tới câu chuyện đội Thanh Hóa vào phía Nam thi đấu, HLV báo cáo toàn đội đã đi ngủ nhưng khi ông đích thân xuống kiểm tra lại thấy 3 cầu thủ quan trọng của Thanh Hoá đang... ngồi ăn nhậu với Ban huấn luyện đội bạn ngoài bờ biển. Bầu Đệ cố tình vào tiếp cận và thanh toán tiền ăn để cảnh báo nhưng kết quả ngày hôm sau Thanh Hoá vẫn thua đậm.
"Quản trị doanh nghiệp bóng đá cực kỳ khó, chỉ có người tâm huyết mới làm được. Tôi là ông bầu mà không sát sao, không nhìn đến, chỉ nghe HLV và giám đốc báo cáo trên trời dưới đất là không được", bầu Đệ trải lòng.
"Tôi vẫn mang tiếng là chủ tịch mà lấn sâu vào công tác chuyên môn. Tôi bỏ tiền mà không lấn sâu thì chết à. Tôi phải trả đồng tiền này bằng thành tích. HLV thua, họ rũ áo họ đi nhưng hậu quả để lại thì tôi là người chịu trách nhiệm trước nhân dân, đảng bộ, chính quyền. Không làm thì thôi. Làm thì phải lao tâm khổ tứ.
Tôi không hiểu sâu về chuyên môn nhưng tôi có tầm nhìn quản lý chiến lược về bóng đá. HLV nào về với tôi, gặp ông bầu như tôi mà biết hợp tác, đoàn kết thì đội rất mạnh. Cũng như quản lý nhà nước, sở, ngành, đơn vị nào mà cứ đề cao chữ “tôi” thì không vận hành được. Bóng đá cũng vậy!"