Chỉ còn hai ngày nữa, gần 50 triệu cử tri Pháp sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống ở nước này. Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã xác nhận quyền ứng cử của 12 người, trong số đó có Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron; đại diện Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia, bà Marine Le Pen.
Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu tuyệt đối trong vòng bầu cử đầu tiên vào ngày 10/4 tới, hai ứng cử viên nhận được số phiếu cao nhất sẽ tiếp tục tiến vào vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào ngày 24/4.
Cho đến thời điểm này, công tác hậu cần chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cơ bản đã hoàn tất. Trước đó, Bộ Nội vụ Pháp đã công bố các quy định y tế tại các điểm bỏ phiếu nhằm tạo thuận lợi cho các cử tri tới các điểm bỏ phiếu.
Theo kết quả của các cuộc thăm dò dư luận gần đây, Tổng thống đương nhiệm Macron đang nhận được sự ủng hộ cao của người dân và hiện là ứng cử hàng đầu cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm nay.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa ông Macron và bà Le Pen đang bị thu hẹp mạnh khi cuộc bầu cử ngày càng đến gần, báo trước một cuộc chạy đua quyết liệt có thể xảy ra giữa hai nhân vật này. Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay liệu sẽ có những bất ngờ và người dân Pháp kỳ vọng gì vào cuộc bầu cử lần này?
Hình ảnh các ứng cử viên trong bầu cử Tổng thống Pháp 2022. (Ảnh: VOV)
Các điểm đáng chú ý
Điểm đáng chú ý nhất, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt, có thể nói là chưa từng có trong lịch sử nền chính trị Pháp.
Đầu tiên, đó là tác động của đại dịch COVID-19. Các đảng phái và các ứng cử viên lớn tại Pháp đã khởi động cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp từ cách đây hơn 1 năm, thông qua các chiến dịch vận động, tuyển chọn ứng cử viên trong nội bộ các đảng.
Nhưng các chiến dịch này đã bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19 bởi cho đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức nghiêm trọng tại Pháp, khi biến thể Omicron có thời điểm khiến nước Pháp ghi nhận mỗi ngày hơn 500.000 ca nhiễm.
Đại dịch lớn nhất từ hơn một thế kỷ qua khiến các ứng cử viên bị hạn chế rất nhiều cơ hội tiếp xúc với cử tri bởi các cuộc tụ tập đông người bị cấm hoặc hạn chế số lượng rất ít. Rất nhiều ứng cử viên đã phải tiến hành tranh cử qua hình thức trực tuyến.
Cả về mặt hình thức và nội dung tranh cử, đại dịch COVID-19 đều đã làm đảo lộn mọi dự định của các ứng cử viên. Trong một thời gian dài, các vấn đề về COVID-19, về y tế đã chi phối quá nhiều chương trình tranh cử của các ứng cử viên.
Nhưng, COVID-19 chưa phải tất cả. Ngay sau khi đại dịch COVID-19 suy giảm, nước Pháp bắt đầu bãi bỏ gần hết các biện pháp hạn chế để quay trở lại cuộc sống bình thường thì cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ vào ngày 24/2. Đây là một biến cố địa chính trị lớn nhất tại châu Âu kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và là sự kiện an ninh thay đổi thời đại tại châu Âu.
Các chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: AP)
Cuộc chiến này một lần nữa chi phối toàn bộ các chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên, thu hút hầu như toàn bộ mối quan tâm của người dân Pháp trong hầu hết cả tháng 3/2022 và làm thay đổi một cách căn bản cán cân lực lượng giữa các ứng cử viên.
Từ chỗ là một ứng cử viên bị hoài nghi, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron đã bứt phá mạnh mẽ nhờ tạo dựng được hình ảnh một Tổng tư lệnh quân đội, một lãnh đạo thời chiến nhiều kinh nghiệm.
Tuy nhiên, cũng chính cuộc chiến này và hệ lụy trực tiếp mà nó mang lại, đó là sự gia tăng vật giá, nguy cơ khủng hoảng năng lượng lại khiến nhiều ứng cử viên khác có cơ hội tận dụng làm vũ khí để tấn công ngược lại ông Macron, tạo nên một kịch bản mà càng sát ngày bầu cử càng có khả năng diễn biến khó lường.
Về tổng thể, có thể nói cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 là một cuộc bầu cử lịch sử hiếm có, bởi trong nền Cộng hoà thứ V của Pháp, chưa từng có cuộc bầu cử nào lại diễn ra trong các biến động xã hội và và địa chính trị trọng đại như thế. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói là bầu cử Tổng thống Pháp năm nay đã bị lu mờ bởi COVID-19 và cuộc chiến tại Ukraine.
Liệu có bất ngờ?
Nếu câu hỏi này được đặt ra cách đây khoảng 3 tuần, có lẽ hầu như tất cả sẽ không ngần ngại trả lời rằng cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay sẽ không thể có bất ngờ. Vào thời điểm đó, do tác động của cuộc chiến tại Ukraine, uy tín của đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên rất cao.
Dù các nỗ lực ngoại giao dồn dập mà ông Macron thực hiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin không giúp ngăn chặn được cuộc chiến, nhưng trong con mắt nhiều người dân Pháp, ông Macron vẫn thể hiện được vai trò của mình là một nhà lãnh đạo châu Âu hiếm hoi có vị thế đối thoại được phía Nga coi trọng.
Ngoài ra, khi chiến tranh quay trở lại giữa trung tâm châu Âu sau nhiều thập kỷ hoà bình, người dân Pháp có xu hướng tin tưởng nhiều hơn vào một nguyên thủ quốc gia có kinh nghiệm về đối ngoại và quốc phòng.
Ở khía cạnh này, ông Macron vượt trội các ứng cử viên khác bởi tất cả các đối thủ của ông Macron, từ bà Marine Le Pen, ông Jean-Luc Mélenchon, ông Eric Zemmour đến bà Valerie Pécresse đều chưa từng có kinh nghiệm làm lãnh đạo cấp cao, càng không có lịch sử đối ngoại quốc tế nào.
Do đó, cách đây 3 - 4 tuần, số phiếu mà ông Emmanuel Macron dự kiến nhận được tại vòng 1 cuộc bầu cử ngày 10/4 lên đến 30 - 31%, cao gần gấp đôi người đứng thứ hai là bà Marine Le Pen, chỉ dự kiến được khoảng 16 - 16,5%.
Nhưng, tình hình đang biến đổi rất nhanh. Cuộc chiến tại Ukraine diễn ra dai dẳng và gần như chắc chắn sẽ còn kéo dài. Sự quan tâm của người dân Pháp đến cuộc chiến này đang nguội dần. Trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất tại Pháp, cuộc chiến tại Ukraine giờ chỉ là chủ đề được quan tâm thứ tư của người dân Pháp, sau vấn đề sức mua, y tế và an ninh.
Một cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Macron. (Ảnh: NBC News)
Cùng lúc này, các khó khăn thường nhật của người dân Pháp gia tăng. Giá nhiên liệu, giá thực phẩm tăng mạnh, lạm phát hiện ở mức 4,5%, cao nhất trong hơn 2 thập kỷ qua, dịch COVID-19 cũng có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Sự đoàn kết với Ukraine, sự bất mãn với nước Nga, mối lo về an ninh châu Âu giờ đây đã bị thay thế bởi các âu lo dân sinh thường nhật.
Và đây lại không phải tin tốt cho ông Macron bởi trong thời gian qua, phần vì tốn quá nhiều thời gian cho cuộc chiến Ukraine, phần vì tâm lý tự tin sẽ thắng nên chỉ đến 10 ngày cuối cùng trước khi bầu cử ông Macron mới thực sự tiến hành các chiến dịch tranh cử.
Trong khi các đối thủ khác như bà Marine Le Pen hay ông Jean-Luc Mélenchon đã đi khắp nước Pháp trong 2 - 3 tháng qua để nói về việc cải thiện sức mua, về việc cắt giảm thuế VAT hay tăng trợ cấp cho người lao động Pháp đối phó với việc chi phí cuộc sống gia tăng.
Sự thay đổi tâm lý cử tri Pháp đã lập tức được phản ánh qua xu hướng bỏ phiếu. Số lượng cử tri đi bầu cũng sẽ cao hơn dự đoán trước đó, ở mức 72 - 73% (so với dự kiến 69% cách đây 3 tuần).
Khi các cử tri đi bầu càng đông, những ứng cử viên đã có nền tảng cử tri vững chắc sẽ có lợi thế. Ở điểm này, bà Marine Le Pen đang dẫn đầu khi 85% cử tri ủng hộ bà cho biết sẽ đi bỏ phiếu. Con số này với Tổng thống Macron là 77%.
Trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Ipsos Sopra Steria thực hiện ngày 7/4, cách biệt giữa ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đã bị thu hẹp đáng kể. Ông Macron hiện chỉ còn được dự đoán sẽ giành khoảng 26% phiếu bầu vòng 1, trong khi bà Marine Le Pen có thể giành 22% phiếu. Ngay cả ông Jean-Luc Mélenchon cũng đã thăng tiến lên mức 17,5%.
Điều đáng nói nhất là xu hướng này được duy trì liên tục cho đến sát ngày bầu cử và với sai số của các cuộc thăm dò, một bất ngờ là điều có thể xảy ra. Nói cách khác, từ chỗ “chắc chắn thắng”, vị thế của ông Emmanuel Macron giờ chỉ là “nhiều khả năng thắng”. Việc bà Marine Le Pen chiến thắng đã không chỉ còn là giả thuyết mà đã là một khả năng.
Tất nhiên, cơ hội dành cho ông Emmanuel Macron vẫn là nhiều nhất. Không chỉ vì ông Macron hiện vẫn đang được đánh giá cao hơn bà Marine Le Pen, ông Jean-Luc Mélenchon mà còn vì bầu cử Tổng thống Pháp gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong 2 vòng và nếu kịch bản tái đấu với bà Marine Le Pen như vòng 2 năm 2017 diễn ra, ông Macron có thể sẽ nhận được sự trợ giúp lớn từ các “lá phiếu có ích” do các thành phần cử tri của các đảng phái khác mang lại.
Nước Pháp có lẽ vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận một Tổng thống đến từ một đảng cực hữu. Do đó, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm nay, dù càng lúc càng khó đoán, nhưng vẫn khó có thể có các bất ngờ động trời.
Bất ngờ, nếu có thể gọi là thế, có lẽ sẽ là các kết quả tệ hại chưa từng thấy trong lịch sử của các ứng cử viên đến từ các chính đảng truyền thống lâu đời tại Pháp như đảng Xã hội (PS) hay đảng Những người Cộng hoà (LR).
Tỷ lệ lạm phát ở Pháp tăng cao hồi đầu năm 2022. (Nguồn: Bloomberg)
Mong chờ của cử tri đối với “chủ nhân của Điện Elysee” sắp tới
Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của người dân Pháp là vấn đề sức mua và vị Tổng thống Pháp kế tiếp, dù đó tiếp tục là ông Emmanuel Macron hay một nhân vật khác, chắc chắn sẽ phải xử lý vấn đề này trước tiên.
Chính phủ Pháp hiện đang có chính sách trợ giá 15 cent trên mỗi lít nhiên liệu cho người dân Pháp nhưng ngoài xăng, dầu, hàng loạt mặt hàng khác như: điện, gas, thực phẩm cơ bản (dầu ăn, ngũ cốc…) cũng đang tăng giá mạnh. Vì thế, Tổng thống Pháp sẽ có chính sách về cải thiện sức mua cho người dân Pháp một cách hiệu quả.
Tiếp đến, một bộ phận lớn người dân Pháp đang yêu cầu tăng lương tối thiểu (SMIC) và hầu hết các ứng cử viên, như các ông Jean-Luc Mélenchon, bà Anne Hidalgo, ông Yannick Jadot hay ông Fabien Roussel cũng đã hứa hẹn sẽ lập tức tăng SMIC lên từ 10 đến 18% nếu đắc cử.
Tiếp đến là các mối lo về mức đóng góp an sinh xã hội hay lạm phát, khi Ngân hàng Pháp dự báo lạm phát của Pháp năm 2022 sẽ ở mức 5%, cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Nói chung, các vấn đề đối nội, kinh tế - an sinh xã hội vẫn sẽ là những gì mà các cử tri Pháp trông đợi nhất ở người sẽ giữ cương vị Tổng thống Pháp sắp tới.
Có một điểm đáng chú ý, đó là sau 2 năm trải qua đại dịch COVID-19 và hiện đang đối mặt với cuộc chiến tại Ukraine, sự quan tâm của các cử tri Pháp đối với vấn đề môi trường, chống biến đổi khí hậu, đã giảm đáng kể.
Đây là khác biệt lớn so với các cuộc bầu cử địa phương và bầu cử châu Âu trong vài năm qua tại Pháp, khi đảng Xanh thăng tiến rất mạnh và trở thành đảng lớn nhất của giới trẻ, không chỉ tại Pháp mà còn tại nhiều nước châu Âu.
Điều này cho thấy, các cử tri Pháp đang ngày càng lo ngại nhiều hơn về những gì đang diễn ra trong hiện tại, về cuộc sống thường nhật, về các ưu tiên ngắn hạn, thay vì dồn sự quan tâm cho các vấn đề có tính vĩ mô và dài hạn như chống biến đổi khí hậu.
Tương tự, các chủ đề về đối ngoại gần như vắng bóng trong chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên, ngoại trừ các thảo luận liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine. Các thảo luận về châu Âu, về chính sách nhập cư, về bản sắc của nước Pháp… được đề cập rất mờ nhạt, khác hẳn không khí 2 - 3 năm trước.
Ở khía cạnh nào đó, đây cũng là một biểu hiện của một xã hội đang phải trải qua quá nhiều biến động và đối mặt với một tương lai không chắc chắn.