Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bất thường trong đấu thầu tại Công ty Điện lực Lạng Sơn

(VTC News) -

Hàng loạt những điều khó hiểu đến bất thường xảy ra ở một số gói thầu mua sắm vật tư tại Công ty Điện lực Lạng Sơn (PC Lạng Sơn).

Loạn đơn giá, vênh tiêu chuẩn, doanh nghiệp “quen” tham gia gói nào trúng thầu gói đó… là câu chuyện đang diễn ra tại nhiều gói thầu mua sắm không đấu thầu qua mạng ở PC Lạng Sơn. Điểm chung những gói thầu trực tiếp này là đều "gọi tên" nhà thầu Công ty cổ phần sản xuất cơ khí và thương mại Thái Dương (Công ty Thái Dương).

Tham gia đâu trúng thầu đấy

Theo tìm hiểu, ngày 16/8, ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Điện lực Lạng Sơn, ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1: “Mua sắm VTTB cho 2 công xuất tuyến lộ 371 và 373 năm 2020”. Nhà thầu trúng là liên danh Công ty TNHH dây và cáp điện Trường Thịnh - Công ty cổ phần sản xuất cơ khí Thái Dương - Công ty cổ phần cáp điện Tự Cường. Gói thầu này có giá hơn 5,98 tỷ đồng.

Trụ sở Công ty Điện lực Lạng Sơn.

Không lâu trước đó, ông Phạm Minh Tuấn, Phó giám đốc PC Lạng Sơn thay giám đốc ký phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: “Mua sắm vật tư thiết bị phục vụ sửa chữa lớn đợt 3 năm 2020” cho nhà thầu liên danh Công ty TNHH Dây và cáp điện Yên Viên và Công ty cổ phần sản xuất cơ khí và thương mại Thái Dương. Giá trị gói thầu gần 10,4 tỷ đồng.

Ngoài hai gói trên, tại PC Lạng Sơn, từ tháng 4/2019 Công ty Thái Dương liên tục trúng 5 gói thầu với giá trị hàng tỷ đồng. Cụ thể, tháng 2/2020, Công ty Thái Dương trúng gói thầu “Mua sắm vật tư thiết bị phục vụ sửa chữa lớn đợt 1 năm 2020”. Gói thầu có giá hơn 13,9 tỷ đồng.

Cùng trong tháng 2, Công ty Thái Dương trúng “Gói thầu số 2: Mua sắm vật tư, thiết bị cho các công trình năm 2020”, với giá gói thầu trên 5,8 tỷ đồng.

Trước đó, chỉ trong tháng 8/2019, Công ty Thái Dương trúng liền hai gói “Mua sắm vật tư thiết bị phục vụ sửa chữa lớn đợt 2 năm 2019” và “Mua sắm vật tư, thiết bị của 02 công trình Xuất tuyến Hữu Lũng” với tổng giá trị hai gói hơn 16 tỷ đồng.

Trước nữa, tháng 4/2019, Công ty Thái Dương trúng gói “Mua sắm vật tư thiết bị phục vụ sửa chữa lớn đợt 1 năm 2019”. Gói thầu này có giá trị rất lớn, xấp xỉ 13 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại PC Lạng Sơn, Công ty Thái Dương gần như tham gia gói nào trúng thầu đấy. Cụ thể, từ tháng 4/2019 đến nay, công ty tham gia 7 gói thầu mua sắm hàng hóa tại PC Lạng Sơn, đã trúng 7 gói, trượt 0 gói, tỷ lệ trúng thầu 100%.

"Nhảy múa" đơn giá

Dữ liệu cho thấy, tuy hàng hóa cùng chủng loại, cùng xuất xứ, thời điểm mua sắm gần nhau, tiêu chuẩn áp dụng theo EVN NPC … nhưng đơn giá nhiều phụ kiện dây dẫn Công ty Thái Dương cấp cho PC Lạng Sơn cao hơn hẳn các công ty điện lực khác trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC).

Đơn cử, so với PC Hải Dương, đơn giá ghip GN 25/120 Công ty Thái Dương là 49.500 đồng/cái (đã VAT) thì tại PC Lạng Sơn là 55.200 đồng/cái chưa VAT. Nếu tính VAT 10% thì đơn giá cao hơn xấp xỉ 10.000 đồng/cái. Hay đầu cốt AM95, cùng là Công ty Thái Dương cấp nhưng trong khi đơn giá đã có VAT tại PC Hải Dương là 49.500 đồng/cái thì PC Lạng Sơn mua với giá 57.100 đồng/cái chưa VAT. Với số lượng hàng chục nghìn đơn vị mỗi gói, số tiền “đội” lên cả trăm triệu đồng.

Thừa nhận đơn giá đầu cốt, ghip PC Lạng Sơn mua của Công ty Thái Dương cao hơn PC Hải Dương, ông Phan Văn Hoà, Trưởng phòng Kế hoạch Vật tư PC Lạng Sơn, cho biết đơn giá vật tư thiết bị được PC Lạng Sơn xây dựng dựa trên 4 nguồn: Đơn giá vật liệu tại Sở Xây dựng Lạng Sơn, tham khảo giá tại EVN NPC, thông báo giá của các nhà sản xuất, và chứng thư thẩm định giá (do PC Lạng Sơn thuê từng thời điểm). “Điều kiện thương mại cũng khác nhau. PC Hải Dương yêu cầu 180 ngày, trong khi PC Lạng Sơn yêu cầu từ 10 - 25 ngày. Thứ nữa số lượng không nhiều, điều kiện thời gian gấp, làm ngày làm đêm, giá cao hơn PC Lạng Sơn vẫn chấp nhận”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cho biết thêm, đơn giá đầu cốt, ghip cao hơn nhưng 1 số mặt hàng khác lại thấp hơn. Đặc biệt, tổng giá trị gói thầu không thầu không thay đổi, không cao hơn giá gói thầu là được.

Trả lời câu hỏi vì sao Công ty Thái Dương liên tục trúng thầu các gói thầu giấy (không qua mạng), nhất là sau khi có Pc Lạng Sơn có giám đốc mới, ông Hòa cho biết là “hoàn toàn ngẫu nhiên”. “Việc đấu thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu, đăng thông báo mời thầu trên hệ thống. Nói thế rất khó, nếu chỉ định thầu thì có thể nói, chứ đây là đấu thầu rộng rãi, việc hoàn toàn ngẫu nhiên”, ông Hòa nói.

Vì sao không theo tiêu chuẩn kỹ thuật của EVN NPC?

Nhằm giảm thiểu sự cố trên lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tháng 6/2020, EVN NPC đã ban hành một số tiêu chuẩn kỹ thuật thiết bị vận hành trên lưới. Trong đó yêu cầu các công ty điện lực trong toàn Tổng công ty khi lập hồ sơ mua sắm hàng hóa phải áp dụng các tiêu chuẩn mới.

Tuy vậy, tại gói thầu “Mua sắm bổ sung vật tư thiết bị phục vụ sửa chữa lớn đợt 3 năm 2020” vừa được chào thầu mới đây, PC Lạng Sơn không áp dụng một số tiêu chuẩn mới ban hành của EVN NPC đối với phụ kiện đầu cốt.

Giải thích về điều này, ông Phạm Ngọc Việt – Trưởng phòng Kỹ thuật PC Lạng Sơn – cho hay do đầu cốt này mua dùng cho hạ thế. “Tiêu chuẩn 3003 áp dụng cho trung thế. PC Lạng Sơn đầu cốt hạ thế nên PC Lạng Sơn chưa áp dụng tiêu chuẩn theo công văn 3003 của EVN NPC với gói thầu mua sắm trên”, ông Việt nói.

Trả lời VTC News liên quan nội dung này, một kỹ sư ngành điện cho biết phụ kiện đầu cốt dùng cho cả trung thế và hạ thế. Vì vậy tiêu chuẩn càng cao, càng hạn chế sự cố trên lưới điện.

Thêm nữa, tuy gói thầu có giá lên đến hơn 13,1 tỷ đồng song thời gian thực hiện hợp đồng chỉ trong 20 ngày. Nhiều ý kiến cho rằng, với khoảng 3 tuần, không nhà thầu nào kịp sản xuất các hàng hóa với khối lượng lớn như trên. Lý giải về điều này, ông Phạm Ngọc Minh cho biết: “Mình đưa ra để nhà sản xuất làm kịp, cũng có nội dung một số nhà sản xuất có rồi thì đưa luôn. Phải lắp đặt, thay thế, không nhanh thì không kịp”.

Hoàng Hưng

Tin mới