Theo Bulgarianmilitary, đã xuất hiện một số hình ảnh cho thấy xe tăng Leopard 2A4 của Ukraine được trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-1. Loại giáp xe tăng thời Liên Xô này được phát triển vào khoảng giữa những năm 1980.
Các chuyên gia quân sự từng chỉ ra một trong những lợi thế của T-90M Nga so với Leopard của Ukraine là được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA). Theo các chuyên gia, những “con báo” Đức không được tạo ra cho các điều kiện của cuộc xung đột hiện đang diễn ra ở Ukraine.
Những chiếc Leopard được thiết kế từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh dựa trên những bài học rút ra từ Thế chiến II. Vào thời điểm đó, các kỹ sư Đức đã không thể tưởng tượng rằng xe tăng tương lai sẽ phải đối mặt với các loại vũ khí mới như thiết bị nổ tự chế (IED), tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) và máy bay không người lái tự sát.
Chính quyền Kiev đã tiếp nhận những chiếc xe tăng Leopard được sản xuất trong giai đoạn 1985 đến 1992. Theo một số báo cáo, những chiếc xe tăng Leopard được chuyển giao đã đổi chủ nhiều lần trước khi đến Ukraine.
Xe tăng Leopard của Đức.
Leopard 2A4 là loại xe tăng phổ biến nhất của Đức. Nó được thiết kế rất tốt vào thời điểm đó với hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số tự động, có thể sử dụng nhiều loại đạn khác nhau và tháp pháo được cải tiến nhiều. Nhưng lớp giáp của xe đang đặt ra những dấu hỏi lớn vì những lo ngại đã nói ở trên.
Một báo cáo đang lan truyền trên mạng, được cho là hồ sơ được giải mật của của Bộ Quốc phòng Anh, có liên quan đến xe tăng Leopard. Theo báo cáo, tháp pháo có lớp giáp bảo vệ dày 350 mm thép, có thể chống lại các loại đạn pháo cỡ nhỏ. Nhưng loại đạn chống tăng có sức nổ mạnh (HEAT) có thể xuyên tới 700 mm thép.
Ông JS Sodhi biên tập viên của Bản tin Chiến lược & Quốc phòng Toàn cầu chỉ ra rằng, tháp pháo là điểm yếu nhất của chiếc xe. Sodhi nói, chính vì lý do này mà Leopard có hỏa lực rất tốt, các kỹ sư Đức chỉ chú trọng vào sức mạnh của khẩu pháo nhưng không đầu tư nhiều vào khả năng bảo vệ của tháp pháo.
Khối giáp của Leopard được làm từ hai thành phần - khung khớp nối bằng hợp kim nhẹ dày 240 mm và các tấm giáp đồng nhất cán mỏng dày 80 mm, điều này là không đủ để bảo vệ chiếc xe tăng trong điều kiện xung đột hiện tại.
Xe tăng Ukraine với giáp Kontakt-1.
Các kỹ sư Ukraine đã tìm cách tích hợp vào xe tăng Leopard lớp giáp ERA, để tăng khả năng bảo vệ cho xe tăng. Giáp Kontakt-1 bao gồm các khối, mỗi khối bao gồm hai phần tử nổ 4S20. Đây thực chất là một loại thuốc nổ dẻo được đặt giữa hai tấm thép.
Khi một tên lửa chống tăng bay tới và va chạm với lớp giáp này nó sẽ bị trượt đi, năng lượng của vụ nổ phân tán làm giảm đáng kể khả năng xuyên giáp từ 50 - 80%, giúp xe tăng an toàn hơn.
Các chuyên gia Nga cho rằng Kontakt-1 sẽ không giúp được gì cho những “chú báo” Ukraine, bởi Kontakt-1 là phiên bản giáp phản ứng nổ đầu tiên và hiện tại phiên bản hiện đại nhất đã là Kontakt-5. Cả Ukraine và Ba Lan đều không có công nghệ Kontakt-5, cung cấp khả năng bảo vệ cao hơn nhiều.
Trên thực tế, tất cả các xe tăng cũ của Nga như T-55АМВ, T-62МВ, T-64В, T-72B, T-80UD và T-80V đều được trang bị Kontakt-1. Hiện tại những chiếc xe tăng T-80 và T-90 của Nga đang được hiện đại hóa với lớp giáp bảo vệ hiện đại nhất là Relikt. Bộ giáp này được cho là hiệu quả gấp đôi Kontakt-5.
Với lớp giáp phản ứng nổ này những chiếc Leopard của Ukraine có thể tăng cao khả năng sống sót hơn hay không, khi phải đối đầu với những xe tăng hiện đại của Nga và những vũ khí chống tăng tiên tiến trên chiến trường vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.