Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bật máy sưởi, bình nóng lạnh giữ ấm cho động vật quý hiếm ở Vườn thú Hà Nội

(VTC News) -

Thời tiết tại Hà Nội đang rét đậm, để giữ ấm cho động vật tại vườn thú, công nhân phải túc trực để chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho thú khi nhiệt độ xuống thấp.

Vườn thú Hà Nội bật máy sưởi, bình nóng lạnh, đốt lửa để giữ ấm cho động vật

Hà Nội đang trải qua những ngày rét đậm, nhiệt độ giảm sâu. Các loài động vật đang được nuôi tại Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ) cũng chịu ảnh hưởng của thời tiết.

Chia sẻ với PV, Đại diện Công ty TNHH MTV vườn Thú Hà Nội cho biết, để giúp giữ ấm cho các loài động vật tại đây, những ngày này đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp. Theo đó, cứ mỗi khi nhiệt độ xuống dưới 17 độ C, phương án chống rét lại được kích hoạt để bảo vệ cho hơn 700 con vật hoang dã, trong đó có khoảng 250 động vật quý hiếm.

Ghi nhận tại khu vực chăm sóc hà mã, hệ thống 5 bình đun nước nóng cỡ lớn với tổng công suất 400 lít luôn sẵn sàng cấp nước ấm cho bể đầm để 3 chú hà mã có nước ấm trong suốt mùa đông.

Hệ thống ống cấp nước nóng được bố trí ngầm dưới đáy bể vừa giúp giữ được nhiệt độ trong bể, vừa bảo đảm an toàn, để Hà Mã duy trì tập tính sinh học.

Chuồng voi có hệ thống sưởi điện bằng điện gió trên cao, ở dưới che bạt và đốt sưởi bằng củi.

Trong các khu chuồng kín nuôi hổ, sư tử, gấu..., các máy sưởi dầu, quạt thổi hơi nóng được đặt ngoài cửa hướng vào trong, hoạt động hết công suất.

Trong ảnh, một chú hổ đang “tận hưởng” hơi ấm thổi ra từ máy sưởi.

Tại khu chăn nuôi những loài thú móng guốc (hươu cao cổ, nai, hoẵng, dê, cừu...) có không gian rộng, công nhân phải áp dụng biện pháp sưởi thủ công cho thú là đốt củi khô.

Các con thú luôn tìm đến gần những đống lửa để tránh rét, giữ ấm cơ thể.

Mỗi ngày, các công nhân ở đây đều phải thắp lửa, ngoài mục đích sưởi cho thú còn lấy khói xua đi sương giá. Ngoài ra, thời gian giá rét, đàn động vật cũng được bổ sung thêm thức ăn giàu năng lượng như bí đỏ, khoai, cà rốt, cám... để tăng cường khả năng chịu rét.

Tại một số chuồng nuôi các loại chim, các công nhân đã dùng kính, tôn nhựa và những tấm lá che chắn để hạn chế gió lùa làm động vật nhiễm lạnh.

Ông Phạm Đức Quang (Bác sĩ Thú Y, Phó giám đốc xí nghiệp và chăn nuôi phát triển động vật số 1 tại công ty TNHH 1 thành viên Sở thú Hà Nội) cho biết, công tác phòng chống rét tại công ty TNHH 1 thành viên Sở thú Hà Nội được xây dựng cụ thể theo quy định hàng năm đối với tất cả các nhóm thú như: Thú dữ, nhóm móng vuốt, nhóm hươu nai, voi, hà mã và nhóm thú ăn thịt nhỏ.

Theo quy định, khi nhiệt độ giảm dưới mức 17 độ C, Vườn thú Hà Nội sẽ bật chế độ phòng chống rét cho tất cả các loài. 

Theo Bác sĩ thú y Phạm Đức Quang, thời tiết chuyển rét, nhiệt độ thay đổi thất thường là cơ hội để một số bệnh liên quan đến đường hô hấp của đàn thú phát triển. Tuy nhiên, công tác phòng chống rét của cơ sở luôn luôn được chủ động, vì vậy hầu như các nhóm động vật ít xảy ra bệnh liên quan đến yếu tố thời tiết.

Bác sĩ Quang cho biết thêm: “Động vật tại sở thú được nuôi dưỡng theo khẩu phần ăn được quy định rõ ràng. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi cũng sẽ có một số thay đổi. Điển hình như loài gấu, chúng tôi sẽ thay đổi theo loại thức ăn như từ bí đỏ sang ngô và những thứ mà chúng thích. Về cơ bản, khẩu phần được thay đổi bài bản, cụ thể và vẫn đảm bảo chất lượng”. 

Khổng Chí- Ngô Nhung

Tin mới