Theo Sputnik, Mỹ đang thực hiện ít nhất 8 chương trình phát triển tên lửa tấn công siêu thanh riêng biệt, nhưng vẫn chưa đưa vào sản xuất hoặc trang bị bất cứ mẫu vũ khí nào. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đều lần lượt biên chế các hệ thống tên lửa siêu thanh đầu tiên vào cuối năm 2017 và cuối năm 2019.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà hoạch định quân sự Nga đều xem vũ khí siêu thanh là sự đảm bảo cho khả năng đáp trả của Moskva trước một cuộc tấn công bất ngờ từ kẻ thù, phần lớn nguy cơ đều đến từ Mỹ.
Chính vì vậy, trong một báo cáo mới đây của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS) của Mỹ về vũ khí siêu thanh đã nhận xét rằng Lầu Năm Góc cần quan tâm nhiều hơn tới chương trình tên lửa siêu thanh trước việc Nga và Trung Quốc đã đưa loại vũ khí này vào chiến đấu, cũng như giải quyết những khó khăn của Mỹ trong lĩnh vực này.
Khác với Mỹ, Nga đã đưa ít nhất hai hệ thống vũ khí siêu thanh vào trang bị gồm Kinzhal "Dagger" và Avangard. (Ảnh: Eminetra)
Báo cáo của CRS cũng chỉ ra rằng Nga và Trung Quốc đã có khả năng triển khai các phương tiện bay siêu thanh trong thực tế và chúng hoàn toàn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, trong khi đó các chương trình vũ khí siêu thanh của Mỹ không được thiết kế để triển khai vũ khí hạt nhân và cũng không có nguyên mẫu nào trong trạng thái hoạt động.
CRS cũng trích dẫn tường trình của Michael Griffin, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách về nghiên cứu và phát triển trước Quốc hội Mỹ gần đây rằng: “Mỹ không có các hệ thống vũ khí có thể khiến họ (Trung Quốc và Nga) bị ảnh hưởng ở mức độ tương ứng và chúng ta cũng không có biện pháp phòng thủ phù hợp trước các loại vũ khí của họ”.
Chi tiêu nhiều nhưng không hiệu quả
Báo cáo của CRS tiếp tục chỉ ra rằng ngân sách quân sự hiện tại của Mỹ mỗi năm chi ra khoảng 3,2 tỷ USD cho việc phát triển vũ khí siêu thanh, con số này sẽ tăng thêm 600 triệu USD trong năm tài chính 2022. Trong số đó sẽ có khoảng 247 triệu USD được dùng cho phát triển các hệ thống phòng thủ vũ khí siêu thanh.
Dù vậy, cho tới thời điểm hiện tại, Lầu Năm Góc vẫn chưa thể thông qua bất cứ chương trình vũ khí siêu thanh nào, cũng như dự định sẽ mua bao nhiêu hệ thống. Thay vào đó, họ cứ tiếp tục mở rộng quy mô các chương trình phát triển và kéo dài thời gian đánh giá các nguyên mẫu, khái niệm hay nhiệm vụ của loại vũ khí này trong quân đội Mỹ.
Trong số các chương trình trên chỉ có Dự án phát triển phương tiện bay siêu thanh Common Hypersonic Glide Body (CHGB) là có đủ khả năng hoạt động nhất, thậm chí Lầu Năm Góc còn tuyên bố vào đầu năm nay rằng họ dự kiến sẽ bắt đầu trang bị đơn vị CHGB đầu tiên vào tháng 9 tới.
Tuy nhiên, CRS lại đưa ra một dự báo bi quan hơn về mốc thời gian các loại vũ khí siêu thanh do Mỹ chế tạo đi vào hoạt động. Kết luận trong bản báo cáo của mình, CRS nhấn mạnh rằng Lầu Năm Góc khó có thể đưa một hệ thống vũ khí siêu thanh vào hoạt động trước năm 2023, bất chấp việc chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh được ưu tiên ngân sách.
Cũng theo báo cáo này, sự chậm trễ trên được biện minh bằng việc mô tả các hệ thống vũ khí siêu thanh của Mỹ chỉ là loại vũ khí thông thường đòi hỏi độ chính xác cao hơn so với các hệ thống tương tự của Nga và Trung Quốc vốn có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
Tàu chiến Nga thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Zircon. (Ảnh: Sputnik)
Chính Mỹ kích động Nga phát triển vũ khí siêu thanh
Báo cáo của CRS cũng bất ngờ thừa nhận rằng chính sách “thù địch” của Mỹ là nguyên nhân khiến Nga thúc đẩy việc tạo ra các hệ thống vũ khí siêu thanh. Báo cáo này cho biết mặc dù Moskva đã tiến hành nghiên cứu về công nghệ vũ khí siêu thanh từ những năm 1980 nhưng họ chỉ thực sự quan tâm đến nó trong thời gian gần đây nhầm đối phó với việc Washington triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa của ở châu Âu cũng như việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM).
Hiện tại, Nga đã đưa vào trang bị ít nhất hai dòng tên lửa siêu thanh gồm “Avangard” phóng đi từ các bệ phóng dưới mặt đất, tiếp theo là “Kinzhal” phóng đi từ trên không. Ngoài ra, Nga còn đang phát triển một mẫu tên lửa hành trình siêu thanh khác phóng đi từ các tàu chiến có tên mã là “Zircon”.
Trong khi đó, Trung Quốc được cho là đã triển khai DF-ZF - một phương tiện bay siêu thanh vào đầu năm 2020, nước này đã thử nghiệm phương tiện này ít nhất 9 lần kể từ năm 2014, theo tình báo Mỹ đánh giá.
Cuối báo cáo của mình, CRS nhận định việc Lầu Năm Góc thiếu phân bố nhiệm vụ rõ ràng cho từng chương trình vũ khí siêu thanh là nguyên nhân chính khiến quân đội Mỹ khó cân bằng giữa các yêu cầu về nghiên cứu, phát triển, sản xuất và cả triển khai loại vũ khí này.