Những năm gần đây, bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng luôn là phân khúc thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn đối với giới đầu tư ở Việt Nam.
Một báo cáo của Savills Việt Nam đã chỉ ra, 70% khách quốc tế nghỉ dưỡng tại địa phương ven biển Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ven biển tại Việt Nam là rất lớn.
Trong khi đó, theo tính toán, giai đoạn 2019 - 2011, Việt Nam có khoảng 45.650 phòng sẽ gia nhập thị trường (trung bình 11.400 phòng được đưa vào khai thác mỗi năm) chiếm 69% tổng nguồn cung hiện tại. Số lượng phòng gia nhập thị trường khá lớn nhưng vẫn không thể giải quyết được tình trạng “cung không đủ cầu”.
Chính lý do khan hiếm nguồn cung đã khiến dòng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài hiện trở thành loại hình được nhà đầu tư săn tìm với kỳ vọng đạt mức chênh lệch cao. Tất cả góp phần tạo nên sức nóng cho phân khúc thị trường này.
Bất động sản ven biển trở thành loại hình được nhà đầu tư săn tìm.
Có thể thấy, từ đầu năm 2019 trở lại đây, trong khi thị trường BĐS nói chung có dấu hiệu “hạ nhiệt”, có phân khúc còn chững lại hoặc giảm giá thì các sản phẩm BĐS ở những khu vực ven biển lại có sự tăng trưởng trên thị trường. Sự tăng trưởng này không chỉ ấn tượng tại những địa phương đã quá quen thuộc như Đà Nẵng hay Quảng Nam mà lan rộng ra cả Quảng Ngãi hay Phú Yên.
Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, khu vực ven biển có những lợi thế khi không gian để phát triển luôn mở. Bên cạnh đó, kết nối giao thông bằng đường biển cũng thuận lợi, chi phí thấp hơn các phương tiện khác...
Theo số liệu của cơ quan chức năng, những năm gần đây, lượng khách du lịch đến khu vực miền Trung đang tăng mạnh. Năm 2018, khu vực đón 56 triệu lượt khách, với hơn 9,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch năm 2018 khoảng 120.000 tỷ đồng. Với nhiều lợi thế, khu vực miền Trung chắc chắn vẫn là điểm đến ưa thích của du khách trong thời gian tới.
Tổng Giám đốc Công ty Danh Khôi Việt (DKRV) Trần Lê Thanh Hiển phân tích, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng đầu tư bất động sản ven biển tại Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ nhất trong một thập niên qua.
Thứ nhất là hạ tầng hỗ trợ cho sự phát triển bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ với nhiều dự án đường cao tốc, sân bay đua nhau lộ diện. Tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vẫn đang tiếp tục được mở rộng, nối dài thêm trong vòng vài thập kỷ tới. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng ở các điểm đến mất vài giờ di chuyển bằng ô tô.
Việc sở hữu ô tô ngày nay khá dễ dàng đối với người Việt giúp thay đổi thói quen du lịch và tiếp cận các kỳ nghỉ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Đây là những trợ lực tích cực cho sự bùng nổ làn sóng đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
Thứ hai, thị trường nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi do tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như sự tăng trưởng về số lượng đường bay thẳng quốc tế. Xu hướng du lịch và đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng của tầng lớp trung lưu và người giàu có tại Việt Nam cũng có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, ngày càng có nhiều thương hiệu, nhà đầu tư phân khúc khách sạn toàn cầu đang đổ vào thị trường Việt Nam như một điểm nóng trong tương lai ở khu vực.
Cuối cùng là hành lang pháp lý hứa hẹn sẽ được hoàn thiện dần theo thời gian. Trong thời gian tới, hành lang pháp lý của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng lai (condotel, biệt thự biển, nhà phố biển...) sẽ từng bước được điều chỉnh, bổ sung, hướng tới sự hoàn chỉnh. Xét về tiềm năng lâu dài, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam hứa hẹn đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư: dùng để nghỉ dưỡng, khai thác cho thuê và tích lũy tài sản.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, làn sóng đầu tư bất động sản biển quá mạnh mẽ cùng quy mô của các dự án biển cực lớn mang lại hai điều cần lưu ý. Đầu tiên là khả năng về đích của các dự án. Nếu dự án được bảo chứng về đích tốt sẽ tạo nên sức hút lớn, tạo cú hích giúp thị trường phát triển bền vững. Nếu các siêu dự án này gặp khó khăn có thể tạo nên chướng ngại và sức ỳ cho thị trường.
Một lưu ý nữa là các cam kết lợi nhuận khủng kéo dài trong cả thập niên rất phổ biến. Hiện nay không có cơ sở nào đảm bảo các cam kết này. Pháp lý và thời hạn sở hữu giới hạn cũng là rủi ro. Tuy nhiên trong thời gian tới nếu hành lang pháp lý được hoàn thiện thì kênh đầu tư này sẽ tiến thêm một bước nữa, hướng tới sự phát triển toàn diện cũng là một tín hiệu lạc quan cho tương lai của thị trường này.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, tuy sở hữu tiềm năng phát triển cực lớn, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang phải đối mặt với một trở ngại cực lớn, vấn đề pháp lý. Hiện tại vẫn chưa có bất kỳ một văn bản pháp luật cụ thể nào quy định về các hình thức condotel, shoptel, officetel… ở Việt Nam.
“Hãy lấy một ví dụ về condotel để làm rõ nhận định này. Nhiều chủ đầu tư đã cam kết với nhà đầu tư thứ cấp sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở đối với căn hộ condotel. Thế nhưng cam kết này không phù hợp với quy định tại khoản 3 điều 126 Luật Đất đai đã quy định về thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm, tại những vùng khó khăn thì không quá 70 năm.
Hay những vấn đề với condotel như quy định liên quan đến kinh doanh mua bán chuyển nhượng sản phẩm hình thành trong tương lai, bảo lãnh cho thuê mua…Các hợp đồng giao dịch BĐS nghỉ dưỡng cũng chưa đề cập tới một vấn đề rất đáng lo ngại trong tương lai là nếu chủ đầu tư, nhà quản lý không thể thực hiện cam kết trả đúng lợi nhuận hằng năm cho nhà đầu tư thứ cấp thì phải giải quyết như thế nào”, GS. Đặng Hùng Võ phân tích.