Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023. Theo đó, tính đến ngày 30/9, tổng dư nợ tín dụng của Techcombank là hơn 475.065 tỷ đồng (bao gồm các khoản cho vay giao dịch ký quỹ và ứng trước cho khách hàng).
Trong đó, dư nợ của các tổ chức kinh tế là hơn 265.062 tỷ đồng, dư nợ khách hàng cá nhân là hơn 197.176 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất trong phần dư nợ của các tổ chức kinh tế là Techcombank đang cho ngành bất động sản vay hơn 160.000 tỷ đồng, chiếm 34,63% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này.
Dư nợ của hoạt động kinh doanh bất động sản tăng hơn 51.453 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2022 (hơn 108.805 tỷ đồng).
Bất động sản chiếm hơn 34% cơ cấu dư nợ tín dụng của Techcombank. (Ảnh:TCB)
Ở phần rủi ro tín dụng, Techcombank cũng nêu chi tiết về các tài sản đảm bảo mà ngân hàng đang nắm giữ để làm tài sản thế chấp. Trong số tài sản đảm bảo trị giá hơn 1,033 triệu tỷ đồng, bất động sản chiếm hơn 507.000 tỷ đồng, tương đương 49%.
Theo báo cáo tài chính của Techcombank, ngân hàng này có tổng tài sản hơn 781.278 tỷ đồng, tăng hơn 11,7% so với cuối năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.842 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 17.115 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với cuối năm 2022.
Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9/2023 được kiểm soát khá tốt, ở mức 1,4%. Đây là tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp của toàn ngành ngân hàng. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn của Techcombank tăng hơn 791 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ cũng tăng hàng nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là điều đáng tự hào của Techcombank khi ở mức 15%, cao hơn nhiều so với mức yêu cầu tối thiểu 8% của Trụ cột I Basel II (tiêu chuẩn quản lý rủi ro của ngân hàng).
Tính đến hết quý 3/2023, Techcombank có gần 13 triệu khách hàng, trong đó có khoảng 2,2 triệu khách hàng mới (gấp 3 lần so với lũy kế 9 tháng đầu năm 2022). 44,4% khách hàng mới gia nhập qua các kênh số hóa, 42,9% khách hàng đến với Techcombank thông qua các đối tác trong hệ sinh thái.
Số lượng giao dịch của khách hàng cá nhân qua các kênh ngân hàng điện tử đạt mức 577,6 triệu giao dịch trong quý 3, tăng 15,6% so với quý trước và 49,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng.