Những người bị bắt gồm Hà Thị Tâm (SN 1988), trú tại phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò; Lê Sỹ Quang (SN 1988), trú tại phường Đội Cung, thành phố Vinh; Nguyễn Thị Thương (SN 1990), trú tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn và Vũ Thị Liễu (SN 1990), trú tại xã Tân Quang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Theo đó, để có tiền tiêu xài và đầu tư kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối…, các đối tượng trên đã lợi dụng quan hệ quen biết, đưa ra nhiều thông tin gian dối khác nhau nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
Vũ Thị Liễu tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an cung cấp)
Từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, Vũ Thị Liễu đã nhiều lần đưa ra các thông tin gian dối về việc cần tiền thực hiện các thủ tục, công đoạn để thực hiện việc mang thai hộ giúp một người phụ nữ trú tại tỉnh Nghệ An từ đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân với số tiền hơn 560 triệu đồng.
Hay với chiêu trò góp vốn để đầu tư bất động sản, Hà Thị Tâm đã nhiều lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 1 tỷ đồng của một người đàn ông trú tại thành phố Hà Nội.
Điểm chung của các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản là sự tin tưởng của các nạn nhân với đối tượng lừa đảo. Thực tế cho thấy nhiều người dân nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, ham kiếm tiền một cách dễ dàng nên trở thành "mồi ngon" cho tội phạm trên không gian mạng.
Thậm chí, có trường hợp là cán bộ nhà nước, cán bộ cơ quan thực thi pháp luật… cũng bị lừa qua mạng. Còn nhiều vụ việc bị hại không khai báo do lo ngại người nhà trách móc hoặc sợ bị mất thể diện.
Công an Nghệ An khuyến cáo người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng. Nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh vừa ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Thị Huỳnh Nga (35 tuổi, trú TP Tam Kỳ), Nguyễn Thị Hiệp (39 tuổi, trú huyện Thăng Bình) và Đinh Thị Tiến (32 tuổi, trú thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2018 đến năm 2022, Dương Thị Huỳnh Nga dùng thủ đoạn gian dối, nói với bà Mai Thị Hành Tr. (trú TP Tam Kỳ) là bản thân có nhiều mối quan hệ, có thể mua được các lô đất tái định cư của người dân tại khu dân cư ADB (phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ) với giá rẻ.
Tin lời Nga nói là sự thật nên bà Tr. nhiều lần giao tiền cho Nga đi mua đất tại khu vực trên. Ngoài ra, Nga còn mượn tiền của bà Tr. với lý do là cho những người có chức vụ, quyền hạn vay để đáo hạn ngân hàng, nộp thuế nhà đất, bỏ bì để làm dự án đất.
Tuy nhiên, Nga không mua đất cho Tr. và cũng không cho những người có chức vụ, quyền hạn mượn tiền như đã nói, mà sử dụng số tiền của Tr. vào mục đích trả nợ, tiền lãi cho nhiều người. Tổng số tiền Nga chiếm đoạt của Tr. và nhiều người khác trên 70 tỷ đồng.
Đối với Nguyễn Thị Hiệp, kết quả điều tra xác định, đầu năm 2021, Hiệp bị TAND tỉnh Quảng Nam tuyên phạt 8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng được hoãn chấp hành án do đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Trong thời gian nuôi con nhỏ (giữa năm 2021), Nguyễn Thị Hiệp tiếp tục sử dụng tên giả là Lý Thị Tố Uyên để lừa đảo, chiếm đoạt 1,4 tỷ đồng của anh Nguyễn Đức Th.
Đối với Đinh Thị Tiến, kết quả điều tra xác định, từ đầu năm 2022 đến tháng 8/2022, lợi dụng sự tin tưởng của bà Trần Thị Kim H. (trú huyện Thăng Bình) và ông Lại Văn H. (trú TP Đà Nẵng), Tiến đề nghị 2 người này góp vốn mua đất tại thị xã Điện Bàn nhằm bán lại để hưởng chênh lệch về giá. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Tiến không mua đất mà sử dụng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Tổng số tiền Tiến chiếm đoạt của 2 nạn nhân là trên 45 tỷ đồng.