Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bão số 9: Dân phố cổ Hội An tranh thủ từng phút di dời đồ đạc trước giờ G

(VTC News) -

Dân Hội An tranh thủ từng giờ, từng phút, khẩn trương chằng chống di tích và nhà cửa, nhiều người chuẩn bị khăn gói, sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn tránh bão số 9.

Video: Dân phố cổ Hội An chằng chống di tích, nhà cửa trước giờ G

Sáng 27/10, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, TP Hội An trời quang mây tạnh khi bão số 9 (Molave) đang quần thảo trên Biển Đông và đang di chuyển vào đất liền. 

Chằng chống di tích, nhà cửa trước giờ bão đổ bộ

Ngay từ sáng sớm, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đã có mặt tại Chùa Cầu - công trình 400 năm tuổi luôn bị đặt trong tình trạng báo động nếu gió bão quét qua. Công tác chằng chống, gia cố tại các vị trí xuống cấp, rệu rã của di tích được thực hiện một cách khẩn trương khi bão số 9 đang áp sát đất liền.

Di tích Chùa Cầu được chằng chống nhằm ứng phó với bão số 9.

Ngoài ra, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An còn tổ chức lực lượng, phối hợp cùng các địa phương và người dân triển khai chằng chống nhà ở thuộc diện di tích trong khu phố cổ.

Tại chợ Hội An - ngôi chợ lớn nhất của thành phố, suốt hàng giờ đồng hồ, Ban Quản lý chợ thuê gần chục lao động, vận chuyển cả trăm bao cát để chèn lại các mái tôn.

Trong khi đó, tại phường Cửa Đại - địa phương nằm sát rạt bên bờ biển và được nhận định là nơi có thể chịu thiệt hại nặng nề nhất của thành phố Hội An nếu bão số 9 đổ bộ vào đất liền, người dân cũng đang hối hả chằng chống nhà cửa, di dời đồ đạc chạy bão.

Đang cột chặt bao cát để cậu con trai kéo lên chèn lại mái tôn liêu xiêu, cụ Nguyễn Nhì (83 tuổi, khối Phước Tân) lộ vẻ lo lắng khi nhắc đến cơn bão số 9 sắp sửa đổ bộ vào đất liền.

Mái che bằng tôn ở chợ Hội An được chèn bao cát.

Theo cụ Nhì, trong nhiều giờ qua, cụ cùng các thành viên trong gia đình liên tục theo dõi thông tin trên loa phát thanh của phường để cập nhật diễn biến cơn bão số 9. "Dự báo cơn bão này có cường độ rất lớn nên không chỉ gia đình tôi mà bà con địa phương ai cũng lo. Việc gia cố mái nhà bằng những bao cát tạm bợ thế này e rằng sẽ không chịu được gió lớn. Tuy nhiên, tôi cũng mong bão sẽ suy yếu để bà con đỡ khổ", cụ Nhì chia sẻ.

Không kịp chuẩn bị cát, hai anh em ông Tâm (trú trên đường Cửa Đại) bơm nước vào hàng chục chiếc bao để chèn lên mái hiên trước nhà. Theo ông Tâm, đây là giải pháp mang tính cấp bách vì không còn thời gian để gia cố bài bản bởi bão số 9 đang áp sát đất liền.

Di dời đồ đạc, sẵn sàng sơ tán

Trưa 27/10, ông Lê Lời (50 tuổi, trú khối Phước Trạch, phường Cửa Đại) dùng xe kéo vận chuyển máy quạt, tivi và một số thiết bị khác trong căn nhà xuống cấp của mình để đưa sang nhà hàng xóm gởi. Ông Lời cho hay: "Chiều nay, cả gia đình tôi phải đi sơ tán để tránh rủi ro có thể ập đến nếu bão số 9 đổ bộ. Vì nhà cửa không đảm bảo nên tôi mới gửi đồ đạc ở nhà hàng xóm cho yên tâm".

Ông Lời đưa đồ đạc sang gửi nhà hàng xóm.

Ngôi nhà mà ông Lời gửi đồ đạc tránh bão là của ông Trần Văn Long. Không riêng gì trường hợp ông Lời, nhiều hộ dân khác trong khối phố khi hay tin bão lớn sắp vào đất liền cũng mang đồ đạc sang gửi nhờ nhà ông Long. "Căn nhà 2 tầng này được tôi xây dựng cách đây 3 năm, còn kiên cố lắm nên mọi người tha hồ gửi đồ đạc. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tính mạng, 7 thành viên trong gia đình tôi cũng sẽ sơ tán đến trường học chứ không trú bão ở nhà mình", ông Long nói.

Trả lời PV VTC News, ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại xác nhận, từ 13h hôm nay, toàn bộ 94 hộ dân với gần 400 nhân khẩu ở 2 khối Phước Trạch và Phước Hải sẽ được lực lượng chức năng đưa đi sơ tán.

"Chính quyền địa phương sắp xếp chỗ ăn, ở cho bà con tránh bão tại trường Tiểu học Lý Thường Kiệt và trường THPT Kim Đồng. Sau khi bão tan, người dân sẽ quay về nhà mình để dọn dẹp, ổn định lại cuộc sống", ông Sỹ thông tin thêm.

THANH BA

Tin mới