Sáng 26/10, tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, đến 7h hôm nay (26/10), bão Molave chuẩn bị vào Biển Đông, cường độ cấp 12-13, trở thành cơn bão số 9 trên Biển Đông.
“Cơn bão số 9 đi nhanh nên sẽ báo tin bão khẩn cấp trên Biển Đông để nâng mức độ ứng phó với cơn bão mạnh này”, ông Khiêm nói.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cũng cho biết, qua thảo luận với đồng nghiệp quốc tế, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đánh giá đây là cơn bão di chuyển nhanh, cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Gió mạnh từ cấp 6 sẽ bão phủ khắp Biển Đông.
Theo các dự báo quốc tế, cường độ bão trên Biển Đông có thể cấp 13, 14, khi đi vào ven bờ có thể đạt cấp 12.
“Về dự báo của Việt Nam, chúng tôi tính toán trên cở sở 52 phương án khác nhau dự báo cho thấy hướng đi của cơn bão sẽ đi vào Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, vùng ảnh hưởng có thể mở rộng từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ.
Dự báo sự biến động về cường độ cơn bão này có điểm hơi khác với cơn số 8. Cơn bão số 8 khi vào Biển Đông có khối không khí khô và lạnh ở phía trước và đi lệch về phía Bắc nên bão suy yếu khi vào đất liền.
Tuy nhiên với cơn số 9, khối không khí khô này đã giảm, cộng thêm tác động của cao cận nhiệt đới khiến cơn này đi thấp hơn nên không có yếu tố thuận lợi để hạ cường độ như cơn số 8”, ông Khiêm cho hay.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia.
Về ảnh hưởng của gió mạnh, ông Khiêm cho biết, dự báo từ chiều mai (27/10), vùng biển ven bờ có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp của giông, lốc, gió mạnh. Từ đêm mai đến hết ngày 28/10, khu vực trên đất liền sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mạnh từ cơn bão.
Phạm vị ảnh hưởng của gió từ Nam Nghệ An đến Khánh Hoà, trong đó trọng tâm từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên. Ngoài ra, gió mạnh không chỉ ở các tỉnh ven biển mà còn ảnh hưởng đến Tây Nguyên.
Về cảnh báo sóng, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, với cường độ của bão lớn, dự báo sóng biển có thể cao đến 8-10m, vùng biển Quảng Bình, Phú yến sóng cao 4-6m. Nước dâng do bão, có thể cao đến 1m gây ngập lụt cho một số tỉnh miền Trung.
Về mưa lớn, ông Khiêm cho hay, với hướng di chuyển, cường độ của bão số 9 thì phạm vi mưa rất rộng, tập trung từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ. Mưa lớn tập trung ở Nam Nghệ An đến Phú Yên, lượng mưa từ 200-400mm.
“Sau khi bão đi vào sâu, có một khối không khí lạnh tăng cường kết hợp với hoàn lưu bão sẽ tăng độ ẩm dẫn đến mưa kéo dài ở Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đợt mưa kéo dài này có thể đến ngày 30 – 31/10. Tổng lượng mưa từ 27 đến 30-31/10 có thể lên đến 500-700mm”, ông Khiêm cho biết.
Trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên sẽ xuất hiện lũ mới, mực nước có thể lên báo động 2, báo động 3, có nơi vượt mức báo động 3.
“Với lượng mưa những ngày tới cùng với việc đất đã bão hòa, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, đặc biệt là sạt lở đất trong 3-4 ngày tới ở Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên”, ông Khiêm cho hay.
Với dự báo bão vào bờ có thể cấp 12. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đề xuất cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai ở cấp 4.
Vị trí và dự báo hướng di chuyển của cơn bão.
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, theo kịch bản các địa phương xây dựng, có thể phải sơ tán trên 1,2 triệu dân. Tổng số tàu thuyền đang hoạt động khoảng 65 nghìn tàu, tuy nhiên cơ quan chức năng mới thông báo được cho 45 nghìn tàu và hàng chục nghìn tàu vãng lại của các khu vực khác.
Khu nuôi trồng thuỷ sản là 14 nghìn ha với gần 200 nghìn lồng bè, lớn nhất là ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
“Trong tối mai phải xong việc kiểm đếm, neo đậu tàu thuyền. Cương quyết cấm biển vì đây là cơn bão rất lớn. Cương quyết không cho người dân quay lại lồng bè khi chưa có sự cho phép của chính quyền.
Đảm bảo an toàn cho dân ở các đảo ven biển, cho học sinh nghỉ học, lưu ý các khu du lịch và khách du lịch; chặt tỉa cảnh cây, đảm bảo an toàn cho đê điều và hồ chứa”, ông Hoài nói.