Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bão số 4 giật trên cấp 17, cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 270km

(VTC News) -

Bão số 4 được dự báo có cường độ mạnh, sức tàn phá lớn đang đang di chuyển nhanh về vùng biển và đất liền nước ta, cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 270km.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 13h ngày 27/9, tâm bão số 4 trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 1h ngày 28/9, vị trí tâm bão trên vùng biển Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183km/giờ), giật cấp 17.       

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão được dự báo di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần.

Đến 13h ngày 28/9, vị trí tâm bão trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.           

Bão số 4 được dự báo với cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, đang di chuyển nhanh về vùng biển và đất liền nước ta.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).   

Vùng biển phía Tây Nam khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc khu vực giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão cấp 14-15, giật cấp 17, sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội.

Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực vịnh Bắc Bộ gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng cao 3-4m, biển động mạnh.      

Vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17; sóng biển cao 9-11m, biển động dữ dội.      

Vùng biển ven bờ từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định gió mạnh cấp 9-10, sau tăng lên cấp 12-13, vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15, giật cấp 17, sóng biển cao 4-6m, vùng gần tâm bão 6-8m.

Ảnh hưởng của bão số 4, từ tối và đêm 27/9, ven biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13. Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10.

Từ sáng sớm 28/9, Kon Tum, Gia Lai gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.     

Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum sẽ hứng một đợt mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-400mm/đợt, có nơi trên 450mm/đợt từ 27/9 đến 28/9. Cũng trong khoảng thời gian này, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt.

Từ 28/9, mưa lớn xu hướng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và nam đồng bằng Bắc Bộ. Đề phòng xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.

Trước diễn biến của bão số 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính có Công điện số 865 gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và các đơn vị liên quan, yêu cầu tập trung ứng phó khẩn cấp.

Công điện nêu rõ, bão số 4 dự báo với cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, đang di chuyển nhanh về phía vùng biển và đất liền nước ta, diễn biến của bão còn rất phức tạp, khó dự báo, trong khi khả năng chống chịu của nhà dân, cơ sở hạ tầng nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, an toàn khi xảy ra bão mạnh hết sức khó khăn.

Để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4, Thủ tướng yêu cầu phải đặt mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đồng thời không hoang mang, mất bình tĩnh trước diễn biến của bão; tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của nhân dân.

Nguyễn Huệ

Tin mới