Trả lời VTC News chiều 17/7, ông Tạ Đức Quyền, đại diện bến cảng cao cấp Ao Tiên (Vân Đồn, Quảng Ninh) cho biết, hiện tại, tất cả các tàu đưa đón khách đã dừng hoạt động và trở về bến neo đậu an toàn.
Cảng tàu Ao Tiên dừng hoạt động đưa đón khách du lịch ra đảo để phòng chống cơn bão số 1.
"Chỉ trong sáng nay, chúng tôi đã có hơn 70 chuyến tàu đón khách từ các đảo du lịch như Cô Tô, Quan Lạn...về đất liền. Chuyến cuối cùng đón khách lúc 10h, hiện tại, các tàu đã về bến neo đậu an toàn, hoạt động đưa đón khách du lịch tạm dừng hoạt động, chờ thông báo mới theo tình hình mưa bão", ông Quyền thông tin.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nam, chủ một cơ sở kinh doanh khách sạn tại đảo Quan Lạn cũng cho biết, ngay trong sáng nay (17/7), phần lớn khách hàng sử dụng dịch vụ tại cơ sở nghỉ dưỡng này đã theo lời khuyến cáo của chính quyền địa phương trở về đất liền phòng tránh bão.
"Ngay sau khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương, chúng tôi đã lập tức thông tin tới khách. Phần lớn du khách lựa chọn về đất liền mặc dù kế hoạch du lịch vẫn còn. Hiện nay, chỉ còn một số ít người vì công việc hoặc lý do cá nhân nên lựa chọn ở lại đảo. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng chủ động chuẩn bị lương thực, phương án phòng chống bão để đảm bảo du khách vẫn an toàn trong cơn bão đầu tiên của năm", ông Nam nói.
Trong khi đó, tại đất liền, bà Nguyễn Thị Lan, CEO Viethouse Travel cho biết, do trước bão, thời tiết biển thường trong xanh và rất đẹp, vì thế nhiều du khách yêu cầu các đơn vị lữ hành cho tiếp tục chương trình tour ra đảo như bình thường. Tuy nhiên, do các bến cảng đóng cửa, tất cả các tour này phải hủy bỏ và khách phải thay đổi chương trình.
"Có nhiều khách không hiểu, họ thấy thời tiết đẹp thì nhất quyết đòi ra đảo. Chúng tôi phải dẫn khách ra tận cảng, thấy cảng không hoạt động họ mới đồng ý hủy tour. Còn các công ty du lịch cũng thường cử đại diện ra tận cảng ghi nhận tình hình và thông tin tới khách hàng và đồng nghiệp", bà Lan cho biết.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo cảng tàu Ao Tiên thông tin thêm, trong sáng 17/7 vẫn có khoảng 400 khách có nhu cầu ra đảo, tuy nhiên thời điểm đó lệnh cấm tàu chưa được áp dụng nên các phương tiện vẫn đón trả khách bình thường theo kế hoạch: "Ngày thường chúng tôi sẽ đón khoảng 4.000 khách. Hôm nay những khách ra chủ yếu bởi công việc cần thiết. Hầu hết các du khách đều nắm được thông tin của cơn bão số 1 và đã chuẩn bị sẵn phương án ứng phó. Chúng tôi liên tục phát loa khuyến cáo theo thông báo của chinh quyền địa phương".
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 10h ngày 17/7, vị trí tâm bão số 1 (bão Talim) cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 270km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo lúc 10h ngày 18/7, bão trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 20 km/h. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 12.
Đến 10h ngày 19/7, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/h, đi sâu vào đất liền suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Ảnh hưởng của bão khiến vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, biển động dữ dội, sóng biển cao 6-8 m.
Khoảng chiều 17/7, Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14, biển động dữ dội.
Thông tin tới VTC News về việc ứng phó với bão, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện tại đơn vị đang tổng hợp số lượng du khách bị ảnh hưởng do cơn bão số 1 Talim, đồng thời tiếp tục theo dõi quãng đường di chuyển của cơn bão và thông tin cụ thể cho người dân cũng như khách du lịch, doanh nghiệp.