Reuters hôm 14/5 đăng tải bài viết về nỗ lực của Việt Nam nhằm cứu sống phi công người Anh 43 tuổi mắc COVID-19.
(Ảnh minh họa)
4.000 người liên quan đến ổ dịch COVID-19 tại quán bar Buddha, 18 người mắc bệnh sau đó phần lớn đã phục hồi, nhưng phi công Anh bị nặng hơn và phải dùng đến các trang thiết bị hỗ trợ.
Dẫn thông tin từ truyền thông Việt Nam, báo Anh viết “gần như mọi nỗ lực đang được thực hiện để cứu sống bệnh nhân 43 tuổi”.
Hôm 12/5, Bộ Y tế Việt Nam và các chuyên gia hàng đầu từ các bệnh viện đã họp và quyết định cứu bệnh nhân này thông qua biện pháp ghép phổi. Khoảng 10 người, bao gồm cả một cựu chiến binh 70 tuổi, tình nguyện hiến tặng, nhưng các bác sĩ đã từ chối.
“Chúng tôi rất cảm động, nhưng những quy định hiện tại không cho phép chúng tôi ghép phổi từ người hiến tặng còn sống”, đại diện Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia cho biết.
Sáng 14/5, Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19 cho biết, tình trạng bệnh nhân người Anh vẫn rất nguy kịch.
Kết quả CT scan phổi cho thấy, hai phổi của người bệnh bị xơ hóa, đông đặc, chỉ còn 10% hoạt động.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, Việt Nam đã chi hơn 5 tỷ đồng để cố gắng cứu sống bệnh nhân này.
Reuters đánh giá nhờ xét nghiệm gắt gao và chương trình cách ly đại chúng tập trung, Việt Nam đã giữ được số ca mắc bệnh ở mức 288 và chưa ghi nhận bệnh nhân thiệt mạng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 14/5 khẳng định các chuyên gia, các bác sỹ giỏi nhất của Việt Nam sẽ tập trung điều trị và cứu chữa cho bệnh nhân người Anh.
"Với tinh thần nhân đạo, trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã tập trung và nỗ lực điều trị cho nhiều bệnh nhân nước ngoài. Đa số họ đã được điều trị khỏi bệnh và nhiều người đã trở về nước. Riêng với bệnh nhân là phi công người Anh, do có bệnh lý nền nên có chuyển biến xấu", Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết.
"Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng với nỗ lực cao nhất, các cơ quan y tế Việt Nam, các chuyên gia, các bác sỹ giỏi nhất của Việt Nam sẽ tập trung điều trị và cứu chữa cho bệnh nhân người Anh. Chúng tôi cũng mong muốn bệnh nhân người Anh sớm hồi phục sức khỏe và trở lại cuộc sống bình thường", bà Lê Thị Thu Hằng nói thêm.