Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bão Noru di chuyển nhanh hướng vào đất liền, ngư dân miền Trung dời tàu lên bờ

(VTC News) -

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều địa phương ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định xảy ra tình trạng ngập úng và hàng nghìn ngư dân phải dời tàu lên bờ tránh bão.

Do ảnh hưởng của bão Noru, các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh...xảy ra mưa lớn, nhiều địa phương bị ngập cục bộ.

Tại các xã Diễn Hoàng, Diễn Hùng thuộc huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), do mưa lớn kéo dài từ sáng đến chiều 24/9 nên nhiều tuyến đường bị ngập sâu, người dân không thể đi lại vì mực nước ngập đến 1m.

Nhiều địa phương ở Nghệ An xảy ra tình trạng ngập cục bộ. (Ảnh: Trần Lộc)

Bà Nguyễn Thị Liễu (trú xã Diễn Hoàng, Diễn Châu, Nghệ An) chia sẻ: “Mưa rất to, kéo dài cả đêm, nhiều điểm trong xã bị ngập sâu khiến việc lưu thông rất khó khăn, nhiều điểm không thể đi qua vì rất nguy hiểm. Đến 18h ngày 24/9, vẫn còn một số tuyến đường trong xã Diễn Hoàng chưa hết ngập”.

Nước lũ tràn vào nhà dân. (Ảnh: Trần Lộc)

Tnh Hà Tĩnh cũng xảy ra mưa lớn trong nhiều giờ qua. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, nhiều địa phương gần biển ở Hà Tĩnh đã triển khai các biện pháp ứng phó như: kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời.

Đến trưa 24/9, khu neo đậu tránh trú bão cảng Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) có 185 tàu thuyền nội tỉnh, 38 tàu thuyền ngoại tỉnh vào bờ an toàn.

Ngoài ra, huyện Kỳ Anh có 559/559 tàu thuyền lớn nhỏ trên địa bàn toàn huyện đã về nơi trú ẩn. Chiều cùng ngày, Đồn Biên phòng Đèo Ngang đã huy động hơn 20 chiến sĩ hỗ trợ ngư dân thị xã Kỳ Anh đưa thuyền vào tránh trú.

Đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão tại cảng Cửa Sót. (Ảnh: Trọng Tùng)

Để tập trung ứng phó bão Noru, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải ký ban hành công điện khẩn. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, cảnh báo và thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản tại các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản, tại những khu vực thấp trũng ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Nếu địa phương, đơn vị nào không tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai để xảy ra sự cố do thiếu trách nhiệm thì chủ tịch UBND cấp huyện và thủ trưởng đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Tương tự, ngày 24/9, UBND tỉnh Bình Định đã ra công điện chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. 

Bình Định có mưa to vào chiều tối gây ngập một số tuyến đường.

Các địa phương cần thông báo, hướng dẫn người dân có kế hoạch di chuyển, chằng buộc, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, tổ chức thu hoạch sớm nhằm hạn chế thiệt hại. Khẩn trương triển khai vớt bèo, rác, vật cản trên các sông, các trục tiêu nước, các trục thoát lũ tạo thông thoáng dòng chảy.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các đơn vị thi công xây dựng công trình phải có phương án ứng phó thiên tai phù hợp; đối với các công trình xây dựng trong khu vực dòng chảy, khu vực ngập lụt phải tháo dỡ công trình tạm, công trình phụ trợ, thông thoáng dòng chảy; Tổ chức kiểm tra an toàn đập, hồ chứa; đặc biệt quan tâm ứng phó các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, thuộc diện hạn chế tích nước trong năm 2022. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có  tình huống xấu.

Phú Yên có 396 tàu cá, 2.377 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó, hoạt động xa bờ là 294 tàu cá, 1.799 lao động (khu vực Quần đảo Trường Sa, giữa và Nam Biển Đông), hoạt động gần bờ và đi về trong ngày gồm 102 tàu cá, 578 lao động (vùng biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận).

Các ngư dân khu vực phường 6, TP. Tuy Hòa chủ động dời thuyền lên bờ tránh bão.

Tất cả các tàu cá trên đều nắm, biết được thông tin về tình hình diễn biến của bão Noru; thường xuyên theo dõi hướng đi của bão, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; thường xuyên giữ liên lạc về gia đình và Bộ đội Biên phòng.

Hiện khu vực tỉnh Phú Yên ngày nắng, chiều tối có mưa vừa, mưa to.

Video: Mưa lớn gây ngập ở Phú Yên tối 24/9

Tại Khánh Hòa, ngày 24/9, UBND tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai, kịp thời thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh.

Tại Khánh Hòa, khu vực chiều tối có mưa to một vài nơi (Ảnh: Người dân cung cấp).

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà yêu cầu rà soát, thống kê số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển để triển khai các biện pháp ứng phó, sơ tán dân khi có tình huống bão, mưa lũ ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh; Thực hiện ngay việc kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng bão, mưa lũ (đặc biệt các khu vực dân cư sinh sống tại vùng đồi núi, có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống), các khu vực hạ lưu hồ chứa; chủ động thông tin, cảnh báo đến người dân về tình hình thiên tai để nắm bắt, ứng phó.

Các địa phương cần sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; công trình đang thi công trên biển, ven biển.

TRỌNG TÙNG - TRẦN LỘC - MẠNH HIẾU

Tin mới