“Những năm 2010 khủng khiếp đã qua, nhưng những năm 2020 thậm chí còn tồi tệ hơn” - nhà bình luận Max Boot nhận định trong bài viết cho tờ Washington Post.
Như tác giả nhấn mạnh, ông không có ý cho rằng, tất cả các sự kiện kể từ năm 2010 đều quá tiêu cực. Ông Boot nhớ lại rằng, cũng có cả những thành tựu tích cực trong thập kỷ qua.
Ví dụ, việc thúc đẩy quyền của thiểu số tình dục, bao gồm cả việc công nhận hôn nhân đồng giới ở Mỹ và 21 quốc gia khác trên thế giới. Nhờ phong trào #MeToo, đã có những thành công đạt được trong việc chống quấy rối và bạo hành tình dục. 11 năm qua cũng chứng kiến nhiều thành tựu tích cực xét về góc độ kinh tế. Tình hình đặc biệt tốt đối với người nghèo, bởi trong giai đoạn này, số người sống trong nghèo đói cùng cực trên thế giới đã giảm một nửa.
Các lãnh đạo G7 tại phiên họp ở Biarritz, Pháp. (Ảnh: Reuters).
“Nhưng tại sao tôi lại có cảm giác bi quan đối với thập kỷ qua? Một phần bởi chúng ta chưa thể đối phó với các mối đe dọa hiện hữu” - tác giả giải thích.
Theo đó, một phần do biến đổi khí hậu, các vụ cháy rừng lớn đã xảy ra ở Mỹ và Australia, hậu quả là hàng trăm triệu động vật đã chết. Ngoài ra, hiện tượng nắng nóng bất thường, hạn hán, mức nước biển dâng cao, cũng như băng tan được ghi nhận trên thế giới.
Tuy nhiên, lập luận chính dẫn đến kết luận những năm 2010 thật tồi tệ là: thập kỷ qua là một kỷ nguyên của sự hủy diệt tự do, của sự sụp đổ chủ nghĩa trung phái và thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan.
Những năm 2010 bắt đầu với “Mùa xuân Ả-rập”, làn sóng cách mạng mang lại hy vọng rằng nền dân chủ tự do sẽ được thiết lập trên khắp Trung Đông. Nhưng chỉ có “Tunisia nhỏ bé” là tiến hành dân chủ hóa thành công. Ở phần còn lại của khu vực, “Mùa đông Ả-rập” đã đến. Kết quả là, hơn 370 nghìn người chết trong cuộc nội chiến ở Syria, hơn 100 nghìn người - ở Yemen và hàng ngàn người mất mạng ở Libya.
Vào cuối năm 2016, gần 5,2 triệu người tị nạn đã di chuyển đến châu Âu từ các quốc gia Trung Đông. Cuộc khủng hoảng di cư này, cùng với những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, đã dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy.
Hiện giờ những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu đang lạm dụng quyền hạn không chỉ ở châu Âu, mà còn ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ và các nước khác. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa dân túy cánh tả thì ít thành công hơn.
Nhưng không chỉ có tự do bị xâm phạm. Thập kỷ qua đã chứng kiến sự thất bại hoàn toàn của pháp trị. Theo đó, Trung Quốc đã quân sự hóa phi pháp Biển Đông, trong khi Mỹ đơn phương áp đặt các mức thuế.
Hệ thống quốc tế tồn tại từ năm 1945 và góp phần phổ cập tự do, hòa bình và thịnh vượng hiện đang bị phụ thuộc vào các lực lượng trên.
“Tôi mong rằng chúng ta có thể hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất trong 10 năm tới, nhưng tôi sợ rằng nó sẽ vẫn là một thập kỷ tồi tệ” - ông Booth viết.