Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bạo lực học đường gia tăng, trường ở Mỹ kiệt sức ứng phó

Quản lý trường, giáo viên ở Mỹ kiệt sức, không thể ứng phó tình trạng bạo lực học đường gia tăng.

Bước sang học kỳ mới, lãnh đạo các trường phổ thông ở Mỹ đối mặt với hàng loạt khó khăn như thiếu giáo viên, những cuộc tranh cãi quanh vấn đề đeo khẩu trang, thời lượng, chất lượng dạy - học giảm mạnh, dịch bệnh, giãn cách xã hội…

Không những thế, họ còn phải xoay xở tìm các ứng phó với tình trạng học sinh thiếu kỷ luật, bao gồm cả bạo lực. Nhiều nhà giáo dục đánh giá đây là mối quan tâm lớn của năm học này.

Lãnh đạo các trường ở Mỹ đối mặt với nhiều vấn đề trong đại dịch COVID-19. (Ảnh: NBC News)

Bạo lực học đường gia tăng 

“Trong 9 tuần đầu tiên học sinh đến lớp, trường tôi ghi nhận nhiều vụ đánh nhau hơn cả 3, 4 năm trước cộng lại”, bà Crystal Thorpe, Hiệu trưởng trường THCS Fishers (thành phố Indianapolis, Mỹ), nói khi nhắc đến những khó khăn học trò gặp phải khi chuyển từ học trực tuyến sang trực tiếp.

Bà giải thích thời gian qua, những học sinh lớp 7, lớp 8 của trường không chỉ đối mặt với tổn thương, mất mát do đại dịch gây ra mà còn mất đi tương tác xã hội ở giai đoạn phát triển cả thể chất, tâm lý. Vì thế, các em trở lại trường học trong trạng thái thiếu hụt các kỹ năng quan trọng như xử lý xung đột - điều trước đây, các em thường học được qua quá trình giao tiếp với bạn học.

Bà Crystal Thorpe cho biết trong năm học 2021-2022, tính đến hết tháng 10/2021, trường Fishers đưa ra 7 quyết định đình chỉ học tập đối với những học sinh đánh nhau tại hành lang, canteen, trên xe buýt. Con số này cao bất thường vì tính cả 3 năm trước đó, họ không phải đình chỉ học bất cứ em nào. Những vụ bạo lực cũng bắt đầu bằng lý do không đáng. Bà Thorpe kể hai nữ sinh vốn là bạn bè bình thường đã bắt đầu tát nhau chỉ vì tranh giành khoai tây chiên.

Mỹ chưa có dữ liệu toàn quốc về các vụ đình chỉ và đuổi học trong năm học 2021-2022. Tuy nhiên, NBC News đã xin dữ liệu từ 20 học khu lớn nhất nước. 10 học khu đã cung cấp con số, tạo ra bức tranh đa sắc về vấn đề của giáo dục trong đại dịch.

Trong đó, học khu Palm Beach (bang Florida) và Wake County (bang North Carolina) cho biết họ đình chỉ học đối với nhiều học sinh hơn so với năm 2019. Tại 8 học khu khác, con số giảm hoặc giữ nguyên. Những học khu còn lại chưa có thống kê.

Trong khi đó, học khu Dallas giảm bớt việc xử phạt 80% kể từ năm 2019 bằng cách nới lỏng quy định nhằm thích ứng với đại dịch và tình trạng bất bình đẳng chủng tộc. Học sinh vi phạm sẽ phải tham gia vào “trung tâm điều chỉnh” thay vì đình chỉ học.

Tuy nhiên, các nhà ủng hộ quyền lợi của học sinh cho biết họ nhận nhiều cuộc gọi hơn từ phụ huynh đang lo ngại về bạo lực học đường. Trong nhiều trường hợp, học sinh bị xử phạt nặng hơn vì lỗi nhỏ như hút thuốc lá điện tử.

Advocates for Children of New York, tổ chức nhằm giúp đỡ học sinh trước kỷ luật học đường, nhận 47 cuộc gọi trong năm học này, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019.

Giám đốc Trung tâm Ủng hộ Học sinh Michigan, tổ chức đại diện cho học sinh bang này, cho biết trong năm học 2021-2022, họ nhận 51 cuộc gọi báo cáo các vụ đình chỉ học thời gian dài hoặc đuổi học, tăng 38% so với cùng kỳ 2 năm trước.

Các nghiên cứu từng chỉ ra học sinh bị đình chỉ hay đuổi học thường bỏ học hoặc vướng vòng lao lý càng khiến nhiều nhà hoạt động vì quyền lợi học sinh lo lắng 2 hình thức kỷ luật này gia tăng ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 lên nhóm trẻ yếu thế. Họ kêu gọi trường học trao đổi với những em bỏ lỡ việc học hàng tuần, hàng tháng do dịch thay vì trừng phạt.

“Chúng ta cần bao dung hơn đối với người trẻ đang chống chọi với cuộc sống từ tháng 3/2020 - khi cả loài người đang hứng chịu đại dịch và hoàn toàn thấu hiểu nỗi đau đó. Trẻ em đang đứng trong thời kỳ nguy hiểm. Nếu các trường vẫn áp dụng biện pháp kỷ luật không khoan nhượng như 70 năm qua, chúng ta sẽ thất bại”, Andrew Hairston, nhà giáo dục tại tổ chức Texas Appleseed, nói.

Ronn Nozoe, CEO của Hiệp hội Hiệu trưởng trường THCS Mỹ, thông tin thành viên của hiệp hội trên cả nước đã phản ánh số vụ đánh nhau, dùng chất kích thích cùng vi phạm kỷ luật khác cao chưa từng thấy và đang xoay xở tìm cách ứng phó.

Hiệu trưởng không muốn đình chỉ hay đuổi học học sinh nhưng họ cũng không còn nguồn lực khác để giải quyết bất ổn trong hành vi của học trò do tâm lý gây ra, đồng thời giữ an toàn cho môi trường giáo dục.

“Đây là vấn đề nan giải. Mọi người biết đấy ‘gia đình em không còn nhà’, ‘bố mẹ em mất việc’, ‘chú em mất rồi’ hay ‘em tuyệt vọng lắm’. Những vấn đề như vậy không thể giải quyết chỉ với 30 phút tư vấn. Nó phức tạp và nhà trường không ứng phó được”, ông Ronn Nozoe nói.

Thiếu hụt kỹ năng do học online lâu ngày, bức bối tâm lý, bố mẹ mất việc, người thân qua đời vì dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ căng thẳng và có hành vi sai trái ở trường học. Ảnh: Getty Images.

Bài toán giữ an toàn cho trường và lợi ích của học sinh

Stephen Paterson, Hiệu trưởng trường THCS vùng Kearsarge (North Sutton, New Hampshire), đã tạo ra “cứ điểm” cho 2 tuần đầu tiên của năm học để truyền tải những kỳ vọng cho năm học, giúp học sinh điều chỉnh thói quen ở trường. Ông Paterson nói đây là biện pháp để “dạy lại học trò cách đi học”.

Trường THCS vùng Kearsarge cũng áp dụng “các phương pháp phục hồi” nhằm ứng phó với hành vi sai trái của học sinh, tập trung vào dạy trẻ về hậu quả khi vi phạm quy định thay vì trừng phạt họ. Nhờ đó, trường không ghi nhận sự gia tăng đột biến số lượng hành vi đáng lo ngại hay số vụ đình chỉ học.

Tuy nhiên, nhiều nhà giáo dục lưu ý một số trường không đủ nhân viên, kỹ năng hay nguồn lực để xử lý các vấn đề kỷ luật mà không cần đến những biện pháp can thiệp như đình chỉ học, đặc biệt khi trường gặp khó khăn, không thuê đủ nhân viên tư vấn để hỗ trợ người học. Thiếu hụt nhân sự cũng ảnh hưởng đến công tác giám sát hành lang hay hỗ trợ học sinh khuyết tật.

Ruth Idakula, Giám đốc chương trình Phẩm giá Học đường, liên minh các tổ chức hoạt động nhằm thúc đẩy biện pháp thay thế cho cách xử phạt truyền thống, cho biết quản lý, giáo viên, nhân viên trường học đều mệt mỏi, kiệt sức, không thể ứng phó được nữa.

Gần đây, bà thăm dò ý kiến của 20 thành viên trong liên minh, nhiều người cho hay số vụ phụ huynh khiếu nại cách xử phạt của trường đang gia tăng.

Trong khi đó, các nhà giáo dục cũng chịu áp lực phải phản ứng nhanh chóng, dứt khoát trước vấn đề liên quan đến an toàn học đường, đặc biệt sau vụ xả súng xảy ra ở Oxford, Michigan hôm 30/11/2021 khi một học sinh không bị đình chỉ học đã bắn chết 4 bạn cùng lớp.

Sau vụ việc, ông Tim Throne, Giám đốc Học khu Oxford, lên tiếng bảo vệ quyết định cho phép nam sinh 15 tuổi trở lại lớp của nhà trường bất chấp lo ngại từ giáo viên khi phát hiện người này có các bài viết, bức tranh bạo lực. Ông cho rằng nam sinh chưa từng vi phạm kỷ luật, vẫn giữ được bình tĩnh và cố vấn của trường “đưa ra quyết định dựa trên chuyên môn, kinh nghiệm làm việc”.

Bà Crystal Thorpe, Hiệu trưởng trường THCS Fishers, lại cho rằng xả súng trong trường là tình huống cực kỳ nghiêm trọng, các nhà quản lý giáo dục thường xuyên phải đưa ra các quyết định khó khăn để giữ an toàn cho trường lớp.

Bà lưu ý đến tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng trong năm học 2021-2022. Theo bà, thỉnh thoảng, họ đành chấp nhận việc đình chỉ học tập đối với học trò.

“Cho học sinh về nhà, không giám sát là biện pháp tốt nhất sao? Không phải! Nhưng để các em ở trường trong trạng thái kích động, ảnh hưởng đến cả trường cũng không phải cách làm hay”, hiệu trưởng trường Fishers nói.

Nguồn: Zing News

Tin mới