Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bạo loạn kéo dài ở Thụy Điển, nhiều cảnh sát và người biểu tình bị thương

(VTC News) -

3 người biểu tình và hơn 10 cảnh sát bị thương trong chuỗi bạo lực xảy ra khi nhiều người ở Thụy Điển phản đối kế hoạch bài Hồi giáo cực đoan của một nhóm cực hữu.

Cảnh sát Thụy Điển cho biết các sĩ quan đã làm 3 người bị thương tại thành phố Norrkoping, miền Đông nước này trong khi nhiều người biểu tình phản đối kế hoạch đốt bản sao kinh Koran của một nhóm cực hữu. Cụ thể, cảnh sát “đã bắn nhiều phát súng cảnh cáo” và 3 người này dường như trúng đạn lạc, cần chăm sóc y tế nhưng vết thương không nghiêm trọng.

Tình hình thành phố Norrkoping tính đến tối 17/4 (giờ địa phương) đã ổn định.

Chuỗi bạo lực ở Thụy Điển bắt đầu khoảng ngày 14/4 sau khi Rasmus Paludan, một chính trị gia song tịch Đan Mạch – Thụy Điển công bố kế hoạch tổ chức các cuộc vận động bài Hồi giáo tại nhiều thành phố. Paludan lập ra nhóm Stram Kurs (hay Hard Line) năm 2017, được biết đến với các chương trình bài nhập cư và bài Hồi giáo.

Bạo lực leo thang trong các cuộc biểu tình phản đối nhóm cựu hữu ở Thụy Điển. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch của Padulan nổ ra ở nhiều nơi và bạo lực leo thang giữa các bên. Tại một số địa điểm, những người cực đoan tấn công cảnh sát và đốt cháy xe cộ. Đụng độ bạo lực cũng xuất hiện tại thủ đô Stockholm.

Hơn 10 cảnh sát bị thương và 4 xe cấp cứu cũng bị đốt tại thành phố trung tâm Obero. Tại khu vực Landskrona, miền Nam Thụy Điển, một số người biểu tình đốt ô tô, lốp xe và thùng, trong khi những người khác dựng hàng rào để cản trở giao thông.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã lên tiếng chỉ trích các vụ bạo lực.

Người phát ngôn cảnh sát phía Nam Thụy Điển, Kim Hild hôm 16/4 nói sẽ không rút giấy phép các cuộc vận động của Stram Kurs, do các tiêu chí về tự do ngôn luận rất cao tại Thụy Điển. Tuy nhiên Padulan cũng phải hủy nhiều cuộc vận động khi vấp phải phản ứng dữ dội.

Sau một loạt các vụ việc, Bộ Ngoại giao Iraq cho biết họ đã triệu tập đại diện Thụy Điển tại Baghdad hôm 17/4, cảnh báo rằng vụ việc có thể gây ra "hậu quả nghiêm trọng" đối với "quan hệ giữa Thụy Điển và người Hồi giáo nói chung, cả các nước Hồi giáo và Ả Rập cũng như các cộng đồng Hồi giáo ở châu Âu".

Paludan dự định ứng cử trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp Thụy Điển vào tháng 9 nhưng chưa có đủ sự ủng hộ cần thiết. Ông ta từng bị kết tội lăng mạ phân biệt chủng tộc, bị bắt tại Pháp và bị trục xuất hồi tháng 11/2020.

Phương Anh (Nguồn: Reuters, AFP )

Tin mới