Theo ước tính của của Tổng công ty Bảo hiểm dầu khí (PVI), tính đến chiều 11/9, đơn vị này đã ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng. Con số này không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người.
Phía Tổng công ty Bảo hiểm hàng không (VNI) cho biết đến ngày 10/9, VNI đã ghi nhận hơn 200 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hàng hóa, tàu thuyền, chưa bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình...
Ngành bảo hiểm tổn thất lịch sử sau bão Yagi và lũ ở miền Bắc. (Ảnh: VNI)
Còn Bảo hiểm PJICO tính đến ngày 10/9 đã tiếp nhận trên 500 vụ tổn thất liên quan tới các nghiệp vụ xe cơ giới, tài sản, hàng hải… ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Riêng các địa bàn đang ngập sâu như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang… đơn vị này chưa thống kê được số liệu về thiệt hại.
Tại Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC), ghi nhận đến trưa 10/9 có gần 500 vụ tổn thất, trong đó có 16 vụ tổn thất về bảo hiểm hàng hải, hơn 250 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật và hơn 180 vụ tổn thất bảo hiểm xe cơ giới. Tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng.
Bảo hiểm AIA Việt Nam (AIA) cũng cho biết có 5 khách hàng của AIA tử vong do Bão số 3. Tổng quyền lợi bảo hiểm của những khách hàng này khoảng 6,5 tỷ đồng. Công ty đã xác mình và chấp thuận chi trả cho toàn bộ các khách hàng này.
Đại diện Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) thông tin hiện đã ghi nhận gần 100 vụ tổn thất về tài sản - kỹ thuật - hàng hải; 250 vụ tổn thất về xe cơ giới. Về bảo hiểm con người, đơn vị này ghi nhận 6 trường hợp mất tích, 1 trường hợp tử vong.
Lãnh đạo của PJICO cho biết với bảo hiểm xe cơ giới ở các khu vực bị ảnh hưởng ngập lụt diện rộng, PJICO đã tổ chức phương án tăng cường thêm các trạm gara từ vùng lân cận để kịp thời cứu hộ xe, nhanh chóng xử lý sự cố, khắc phục tổn thất.
PJICO đang phối hợp với cơ quan giám định chuyên môn để có phương án khắc phục sự cố, tạm ứng bồi thường và bồi thường trong thời gian sớm nhất.
Ngành bảo hiểm kiến nghị khách hàng nhanh chóng thông báo thiệt hại, chuẩn bị các tài liệu liên quan và phối hợp giám định để được bồi thường đầy đủ nhất. (Ảnh: PJICO)
Theo bà Tào Thị Thanh Hoa – Phó Tổng giám đốc VNI, ưu tiên nhất của ngành bảo hiểm lúc này là kịp thời hỗ trợ khách hàng giảm thiệt hại, xử lý tạm ứng bồi thường, nhằm giúp khách hàng sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.
Là đơn vị đang ghi nhận tổng mức bồi thường bảo hiểm lớn nhất, với hơn 2.000 tỷ đồng, đại diện PVI nhận định bão Yagi và lũ lụt, sạt lở sau bão với thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản có thể coi là tổn thất lịch sử của ngành bảo hiểm.
Cập nhật từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đến ngày 11/9 có khoảng 1.800 vụ thiệt hại về tài sản, xe cơ giới và một số trường hợp tử vong thuộc diện chi trả bảo hiểm.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có Công văn gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm, đề nghị báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm do bão Yagi gây ra. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.
Trong Công điện (số 92) ngày 10/9, về tập trung khắc phục hậu quả bão Yagi và mưa lũ sau bão, Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm, bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định.