Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bao giờ nước Mỹ hết các vụ xả súng thương tâm?

(VTC News) -

Bạo lực súng đạn vẫn tiếp tục là vấn đề gây nhức nhối ở Mỹ sau hàng loạt các vụ xả súng đẫm máu liên tục diễn ra từ hồi đầu năm.

Hôm 24/5, nước Mỹ chấn động với vụ xả súng tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas khiến 21 người thiệt mạng, trong đó 18 học sinh. Nghi phạm là một thiếu niên 18 tuổi, hành động đơn độc, không có bất cứ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. 

Tay súng được cho là bắn chết bà trước khi mang theo súng trường và súng ngắn tại trường học nã súng điên cuồng. 

Theo ABC News, đây là vụ xả súng tại trường học chết chóc nhất trong lịch sử bang Texas. Vụ xả súng năm 2018 tại Trường trung học Santa Fe ở khu vực Houston khiến 10 người thiệt mạng.

Vụ xả súng xảy ra chưa đầy một tuần sau vụ tấn công bằng súng đẫm máu tại một siêu thị thuộc khu vực chủ yếu có người da màu sinh sống ở thành phố Buffalo, bang New York. 

Theo tờ Le Figaro, các vụ nổ súng ở nơi công cộng xảy ra gần như hằng ngày ở Mỹ. Tội ác liên quan súng đạn gia tăng nhanh ở các đô thị lớn như New York, Chicago, Miami và San Francisco, đặc biệt kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19.

"Đại dịch" xả súng 

Bạo lực súng đạn là vấn đề nhức nhối trên khắp nước Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, nhất là các vụ xả súng hàng loạt tại trường học. 

Trong năm 2021, nước Mỹ chứng kiến số vụ xả súng hàng loạt tăng cao kỷ lục với 691 vụ, bình quân một vụ có ít nhất 4 nạn nhân. Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, Mỹ ghi nhận 212 vụ xả súng hàng loạt. 

Vụ xả súng tại lễ hội âm nhạc ở Las Vegas năm 2018 khiến 58 người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters)

Tại Chicago, một thành phố đông dân khét tiếng về bạo lực súng đạn, hơn 800 người đã tử vong liên quan đến súng, khiến 2021 trở thành năm bạo lực nhất trong 1/4 thế kỷ của thành phố này. Thành phố Los Angeles đạt kỷ lục 15 năm với gần 400 người chết vì súng đạn trong năm 2021.

Ước tính trong năm 2021, trung bình cứ 17 giờ lại có một người bị bắn trên đường phố Mỹ, tăng hơn 200% so mức năm 2016. 

Theo ông Jason R. Silva, trợ lý Giáo sư xã hội học và tư pháp hình sự tại Đại học William Paterson, Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất xảy ra các vụ xả súng hàng loạt mỗi năm trong 20 năm qua.

Vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại Mỹ tới nay xảy ra tại lễ hội âm nhạc ở Las Vegas năm 2018 khiến 58 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. 

Chỉ 2 năm trước đó, một tay súng nã đạn điên cuồng vào hộp đêm dành cho người đồng tính ở bang Orlando, Mỹ khiến 49 người thiệt mạng và hơn 50 người khác bị thương. 

Vụ tấn công vào trường tiểu học Sandy Hook tại tiểu bang Connecticut năm 2012 cũng từng gây chấn động với 27 người thiệt mạng, trong đó có 20 trẻ em trong độ tuổi 6-7 tuổi.

Bạo lực súng đạn ở Mỹ là một vấn nạn xã hội kinh niên dường như không có lời giải. Theo Cục Điều tra Liên bang (FBI), ước tính khoảng 17 triệu khẩu súng được bán ra từ tháng 1-11/2021, con số cao thứ hai kể từ năm 2000.

Một cuộc khảo sát về súng đạn trên toàn nước Mỹ cho thấy khoảng 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ (tương đương khoảng 81,4 triệu người) sở hữu ít nhất một khẩu súng, khiến dân Mỹ trở thành các công dân được trang bị vũ khí mạnh nhất thế giới.

Theo Cơ quan Khảo sát Vũ khí nhỏ (SAS) có trụ sở tại Thụy Sĩ, cứ 100 người Mỹ thì có 120 khẩu súng. Không quốc gia nào có nhiều vũ khí cá nhân hơn số dân như ở Mỹ.

Một cuộc khảo sát vào tháng 4/2021 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, gần 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ tin rằng, tội phạm sẽ ít đi nếu nhiều người sở hữu súng hơn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ở những nơi mọi người dễ dàng tiếp cận với súng, các trường hợp thiệt mạng liên quan đến súng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn, bao gồm cả do tự sát, tội phạm và thương tích không chủ ý.

Mỹ hiện là nước có nhiều người chết vì bạo lực súng đạn hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào khác nếu tính trên đầu người. Theo dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá Y tế (IHME) từ năm 2019, tỷ lệ này ở Mỹ cao gấp 8 lần so với Canada, quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng cao thứ 7 trên thế giới; cao hơn 22 lần so với Liên minh châu Âu và 23 lần so với Australia.

Tỷ lệ người chết liên quan đến súng ở Washington D.C, cao nhất so với bất kỳ bang của Mỹ và gần bằng với Brazil, quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về các vụ giết người liên quan đến súng.

Căn bệnh trầm kha

Thúc đẩy giảm bạo lực súng đạn là một trong những ưu tiên của Tổng thống Biden kể từ khi ông lên nắm quyền. Hồi tháng 2, nhân dịp tưởng niệm 4 năm ngày xảy ra vụ xả súng chết người tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, ông kêu gọi Quốc hội ban hành các biện pháp nhằm giảm bạo lực súng đạn tại quốc gia này.

"Quốc hội phải làm nhiều hơn nữa trong nỗ lực chống lại tội phạm bạo lực trong nước, bao gồm việc yêu cầu kiểm tra lý lịch về việc bán súng, cấm vũ khí tấn công và loại bỏ quyền miễn trừ pháp lý đối với các nhà sản xuất súng", nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.  

Tháng 3/2021, tức là 2 tháng sau khi ông Biden nhậm chức, Hạ viện Mỹ thông qua thông qua luật yêu cầu người bán phải kiểm tra lý lịch liên bang của khách hàng trước khi bán súng và để đảm bảo rằng người mua được kiểm tra đầy đủ trước khi sở hữu súng.

Mỹ là một trong số ít quốc gia trên thế giới quy định quyền sở hữu súng trong Hiến pháp. (Ảnh: NYT)

Tuy nhiên, luật này bị mắc kẹt tại Thượng viện, nơi hàng loạt các nghị sỹ không mấy mặn mà với việc siết chặt quản lý súng đạn. Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) cũng từng không dưới một lần tuyên bố sẽ chống lại mọi biện pháp kiểm soát súng đạn.

Năm 2018, các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Washington trong bài phát biểu trước Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ khẳng định chính phủ đã "thất bại" trong việc ngăn chặn và giảm bạo lực liên quan đến súng đạn.

Mỹ là một trong số ít quốc gia trên thế giới quy định quyền sở hữu súng trong Hiến pháp, nhưng sự chia rẽ trong chính trường Mỹ khiến nỗ lực siết chặt quản lý súng vẫn đang đi vào ngõ cụt. 

Đảng Cộng hòa và Dân chủ tới nay vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong việc thúc đẩy các chính sách về vấn đề này. Chưa kể, ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm.

Các nhóm vận động tại Mỹ, trong đó có NRA thường phản đối kịch liệt khi các biện pháp quản lý súng ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của họ. Đó là lý do dù đã qua nhiều nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, các dự luật về kiểm soát súng đạn khó qua ải lưỡng viện chứ chưa nói tới việc được đưa lên bàn Tổng thống để ký thành luật.

Song Hy (Tổng hợp)

Tin mới