Theo nhiều nhận xét, độ giảm của giá xăng dầu trong nước chỉ bằng 40% mức giảm của giá dầu thế giới.
Câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra “bao giờ giá xăng dầu trong nước theo kịp giá thế giới” vẫn chưa thể có câu trả lời.
Con số biết nói
Ở thời điểm tháng 7/2008, giá dầu thô thế giới là 147USD/thùng thì giá xăng trong nước là 19.000 đồng/lít. Và ngày 12/10/2008, giá dầu thế giới giảm xuống 77,7 USD/thùng thì giá xăng trong nước là 16.500 đồng/lít.
Giá xăng chỉ có duy nhất một lần giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Đó là ngày 18/2/2016, giá xăng RON 92 chỉ còn 13.750 đồng/lít, xăng RON 95 còn 14.450 đồng/lít. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Tuy nhiên, việc giá xăng thời điểm này lao dốc lại không có gì đáng ngạc nhiên, khi mà giá dầu thế giới đã mất tới 2/3 giá trị, giảm từ mức trên 100 USD/thùng xuống gần 37 USD/thùng, thậm chí xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng.
Từ 2018, 2019, giá xăng lại bật tăng dữ dội, có thời điểm trong năm 2019 còn suýt “soán ngôi” kỷ lục của năm 2014.
Giá xăng trong nước vẫn "lỗi nhịp" thế giới. (Ảnh minh họa: Internet)
Hiện nay, giá dầu thô trên thị trường thế giới đang chứng kiến sự sụt giảm tới 30% những ngày qua. Tuần trước, Brent mất tới 25% - mạnh nhất kể từ năm 2008 do Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga thất bại trong việc gia hạn thỏa thuận giải cứu giá dầu. Phiên giao dịch ngày 13/3, giá dầu WTI đứng ở mức 32,93 USD/thùng, giảm 11,04 USD/thùng; giá dầu Brent đứng ở mức 34,60, giảm 15,5 USD/thùng.
Trong xu thế này, giá xăng dầu trong nước cũng điều chỉnh giảm: xăng E5RON92 giảm 2.290 đồng/lít, xăng RON95-III giảm 2.315 đồng/lít, dầu diesel giảm 1.750 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.830 đồng/lít...
Đành rằng, giá xăng trong nước có nhiều đợt giảm, nhưng điệp khúc “tăng khủng, giảm nhỏ giọt” hay “giá thế giới giảm mạnh, trong nước giảm cầm chừng" là điều mà dân nghe mãi thành quen nhiều năm nay.
Sự lạc nhịp này làm "méo mó" hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Tại sao người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng của một khách hàng trong cơ chế thị trường" Có hay không sự kìm hãm ở đây?
Ai bù lỗ cho dân?
Còn nhớ, giữa năm 2019, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu để giá mặt hàng này tiệm cận hơn với thế giới. Theo hiệp hội trên, việc trích lập Quỹ 300 đồng mỗi lít theo quy định Nghị định 83 khiến người tiêu dùng "chịu thiệt hơn là lợi" khi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ.
Tuy nhiên, đề xuất này sau đó đã bị Bộ Công Thương, Tài chính bác bỏ. Cơ quan điều hành cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu vẫn phát huy hiệu quả khi phần nào tránh cú sốc cho người tiêu dùng trước sự tăng giá đột ngột mặt hàng xăng, tránh cú sốc cho thị trường để cân đối giữa điều hành vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Quỹ này chỉ có thể bỏ nếu bỏ cả thời hạn điều chỉnh giá (15 ngày) như hiện nay, để giá xăng dầu biến động hàng ngày.
Lập luận của lãnh đạo Bộ là vậy, nhưng dưới góc nhìn, sự phân tích của giới chuyên gia, câu chuyện về Quỹ bình ổn xăng dầu còn có “góc khuất” khác. Xưa nay, mỗi khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, để can thiệp vào thị trường, không để giá xăng dầu trong nước cũng tăng cao như thế giới, liên bộ Tài chính-Công Thương thường sẽ trích quỹ BOX để giảm mức giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, khi mức "xả" khá cao và liên tục, quỹ này tại một số doanh nghiệp bị âm, phải tự bù tiền cho quỹ. Vì vậy, để tránh Quỹ bình ổn xăng dầu ở các doanh nghiệp âm, ảnh hưởng xấu đến hoạt động doanh nghiệp, nhà điều hành sẽ chỉ để giá xăng dầu giảm nhẹ để còn trích vào Quỹ bình ổn xăng dầu.
Bởi vậy mới diễn ra tình trạng khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, kịch bản giá trong nước giảm nhỏ giọt hoặc không tương xứng vẫn lặp đi lặp lại.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối đã thốt lên: “Không phải cứ giá thế giới giảm là ngay ngày hôm nay ta được hưởng giá đó”. Theo vị này, giá xăng dầu hiện nay thực chất theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngoài Quỹ bình ổn, cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu còn gồm lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, các loại thuế, phí... chiếm hơn 50% cơ cấu giá. Đáng kể nhất trong cơ cấu thuế, phí xăng dầu hiện nay là mức thuế bảo vệ môi trường, với xăng là 3.000 đồng một lít, dầu diesel 1.500 đồng... Khi giá dầu càng giảm, tỷ trọng các loại thuế, phí, trong đó thuế bảo vệ môi trường càng tăng lên. Chưa kể tỷ giá VND/USD nhập khẩu xăng dầu ở mức 23.300 VND một USD, cao hơn trên 1.000 đồng so với cách đây 1-2 năm.
Như vậy cũng có nghĩa, người tiêu dùng sẽ không thể kiểm soát hay dự đoán giá xăng sắp tới sẽ được điều chỉnh thế nào, bất chấp có đủ dữ liệu về giá thế giới thời điểm đó. Và vì thế, đường nhiên giá xăng nước ta vẫn còn nằm trong tình trạng lẩn quẩn. Doanh nghiệp lỗ người dân bù lỗ, còn người dân thiệt hại thì chưa biết ai bù lỗ?
Phải điều chỉnh giá xăng sát giá thế giới
Thực tế ngay tại thời điểm này, bóng ma covid-19 bắt đầu bao phủ nền kinh tế nước ta. Hiện có đến 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản.
Đã có rất nhiều các doanh nghiệp lớn lên tiếng kêu cứu, đề nghị miễn giảm ngay giá xăng.
Đại diện hãng bay Vietjet cho rằng cần miễn thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay. “Hiện mỗi lít xăng gánh 3.000 đồng thuế môi trường, tương đương 22% chi phí xăng dầu. Tỷ lệ này có thể tăng lên 50% nếu giá xăng dầu giảm như hiện nay. Đây là thuế gián thu, nhưng chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí xăng dầu của doanh nghiệp hàng không”, đại diện Vietjet nói.
Đồng quan điểm, TS - chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho rằng nên giảm toàn bộ giá xăng trong đợt này, vì đây là phương án tốt để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Mặc dù thừa nhận việc thực hiện không phải dễ dàng bởi hiện nay nền kinh tế thị trường khó có thể áp đặt bằng một mệnh lệnh hành chính nhưng theo ông Trinh cần và nên có một biện pháp quyết liệt từ Chính phủ cho giá xăng dầu - ít nhất trong giai đoạn các doanh nghiệp đang kiệt sức như hiện nay.