Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Báo động học sinh tự tử vì bạo lực học đường ngày càng tăng

Vụ nam sinh lớp 8 ở Yên Bái tự tử sau khi bị bắt quỳ giữa đường một lần nữa cho thấy nỗi đau do bạo lực học đường gây ra.

Thời gian qua, nhiều clip đánh hội đồng bạn liên tiếp được chia sẻ trên mạng xã hội. Không ít học sinh đã bị đuổi học nhưng xem ra "trào lưu" đánh bạn giữa đường quay clip đưa lên mạng để "kể thành tích" chưa giảm. Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của nhiều gia đình, nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội.

Mấy tháng nay, nhiều clip nữ sinh đánh hội đồng bạn gây xôn xao dư luận. Gần đây nhất, tối 5/10, clip dài hơn một phút quay cảnh hai nữ sinh hành hung một cô gái ở TP Huế (Thừa Thiên - Huế). Nạn nhân chỉ biết đưa tay đỡ đòn khi bị hai người đánh tới tấp.

Clip nam sinh lớp 8 bị đánh lan truyền trên mạng xã hội, sau đó em đã có hành động dại dột tự kết liễu đời mình. Ảnh chụp màn hình.

Trước đó, clip đánh hội đồng, lột đồ bạn nữ ở Phú Yên cũng bị dân mạng lên án. "Họ đã đánh tôi còn đăng clip tràn lan trên mạng, cùng là con người sao nỡ làm như vậy? Giờ tôi không muốn sống nữa, ai cũng khinh thường, chế giễu tôi", nữ sinh bị bắt nạt viết những dòng đau đớn trên Facebook.

Clip bạo lực học đường ở Nghệ An mới đây cũng gây xôn xao dư luận. “Lúc đó, chúng em chỉ biết ôm mặt, đầu để tránh bị đánh”, một trong số những nạn nhân kể lại sau khi điều trị gần 1 tuần ở bệnh viện.

Đau lòng nhất là cái chết của em Quang Huy (15 tuổi) ở Yên Bái. Cũng xuất phát từ bạo lực học đường, cậu học sinh cấp 2 đã tự tử sau khi clip em bị đánh, bắt quỳ giữa đường trước mặt bạn bè lan truyền trên mạng.

Cái chết của Huy một lần nữa đánh lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường, khi mà giờ đây chỉ vì "ánh mắt nhìn đểu", mâu thuẫn cá nhân, cãi vã trên mạng..., các bạn trẻ có thể đánh nhau giữa nơi đông người.

Chứng kiến ẩu đả, nhiều học sinh sẵn sàng... rút điện thoại quay clip để đưa lên mạng thay vì quan tâm giúp đỡ nạn nhân. Thậm chí, đám đông còn cổ vũ "đánh chết đi", "để nguyên cho chúng nó tự xử"... khiến những người lớn nhìn thấy cảnh đó mà đau lòng.

Giá như lúc thấy bạn bị đánh hội đồng, có người ngăn cản, giá như mọi người không quay clip và chia sẻ với tốc độ chóng mặt, những cái kết đau lòng có thể đã không xảy ra.

Video: Nữ sinh đánh nhau vì mâu thuẫn trên Facebook

Cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP.HCM), cho rằng bạo lực học đường là vấn đề bức xúc, cần phải xử lý quyết liệt, khéo léo.

"Thực tế, nhiều em có hoàn cảnh rất khó khăn, bố mẹ ly hôn, phải sống với ông bà và tự trưởng thành. Nhìn vào hành động của các em, tôi thấy đáng thương hơn đáng trách", cô Chương nói. 

Hiệu trưởng Chương tin rằng giáo dục là cần thiết để học sinh tiến bộ chứ không phải đẩy các em ra xa khỏi trường học.

Một lãnh đạo trường THPT ở trung tâm TP.HCM cho biết nhiều năm qua, nhà trường vẫn rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Những clip học sinh đánh bạn được nhà trường mổ sẻ, phân tích trong các tiết học Giáo dục công dân, từ đó cảnh báo các em tránh xa bạo lực.

"Chúng ta cần khéo léo giáo dục những học sinh tham gia đánh bạn và cũng xử phạt cả người quay clip đăng lên mạng, với những bình luận ảnh hưởng tâm lý nạn nhân", ông nêu quan điểm. 

Nhiều giáo viên cũng kỳ vọng việc Bộ GD&ĐT đưa môn Giáo dục công dân vào nội dung thi THPT quốc gia 2017 là động thái góp phần nâng cao đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Qua đó, môn học này được coi trọng hơn và những bài học về đạo đức cũng xuất hiện nhiều hơn.

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý ĐH Sư phạm TP.HCM, những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là về tinh thần, ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung học hành.

Ông Sơn nêu quan điểm khi xem những clip bạo hành, nhiều người lắc đầu ngán ngẩm, đổ lỗi cho nhà trường. Thật ra, đây không phải vấn đề của riêng ai mà là của toàn xã hội. Mọi người cần có trách nhiệm giải quyết vấn nạn bạo lực học đường.

"Đã đến lúc, chúng ta cần lên tiếng và hành động, đừng thờ ơ nữa", TS Sơn nói.

Nguồn: Zing News

Tin mới