Theo các chuyên gia khí tượng, sáng nay (21/7), áp thấp nhiệt đới ở khoảng kinh tuyến 132E đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là bão Doksuri. Đây là cơn bão thứ 5 trên Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 2023.
Dự báo quỹ đạo bão Doksuri sau 3 ngày của các nước còn phân tán, khả năng đi vào Biển Đông là thấp.
Áp thấp nhiệt đới ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đã mạnh lên thành bão. (Ảnh: Page Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia).
Thông tin về tình hình mưa ở các vùng miền trên nước ta, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, đêm qua và sáng nay, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ mưa rất to. Khu vực Đông Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa vừa, mưa to.
Lượng mưa tính từ 19h ngày 20/7 đến 8h ngày 21/7 có nơi trên 60 mm như: Móng Cái (Quảng Ninh) 75.2 mm, Hạnh Lâm (Nghệ An) 94 mm, Sông Hinh (Phú Yên) 65.4 mm, Ia Khai (Gia Lai) 179.6 mm, Ia Dom (Kon Tum) 162.4 mm, Krông A Na (Đắk Lắk) 73.6 mm, Lâm Hà (Lâm Đồng) 74mm, Tân Hoà (Tây Ninh) 69.6 mm…
Từ 21/7 đến 23/7, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120 mm, có nơi trên 180 mm (mưa lớn tập trung vào chiều và đêm).
Tổng lượng mưa tại khu vực này từ 13h ngày 21/7 đến 13h ngày 22/7 dao động 40-70 mm, có nơi trên 100 mm; từ 13h ngày 22/7 đến 13h ngày 23/7 phổ biến 20-50 mm, có nơi trên 80 mm.
Mưa lớn ở Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới.
Cũng theo cơ quan khí tượng, ngày 21/7, Đông Bắc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 60 mm. Hình thái thời tiết này cũng xuất hiện trong chiều tối và đêm 21/7 ở Trung và Nam Trung Bộ.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có thể xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.