Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 4h ngày 11/9, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 15,7 độ vĩ bắc, 110,6 độ kinh đông, cách bờ biển từ Quảng Trị - Quảng Nam khoảng 230km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 12; bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
Ghi nhận của PV VTC News, trong đêm qua và sáng nay (11/9), do ảnh hưởng của bão Conson (bão số 5), tại Đà Nẵng có mưa to, các khu vực ven đã có gió cấp 6, 7, giật cấp 9.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng, với sức gió từ cấp 8 đến 11 như bão số 5, toàn thành phố sẽ tổ chức sơ tán khoảng gần 59.000 người (tập trung 18.733 người, tại chỗ 39.950 người).
Lực lượng quân đội hỗ trợ người dân Đà Nẵng chằng chống nhà cửa.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 5 và đảm bảo công tác phòng chống COVID-19, Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải đảm bảo an toàn cho các trường học, công sở đang được trưng dụng làm khu cách ly y tế tập trung.
Hiện Đà Nẵng có 32 cơ sở cách ly y tế tập trung để phòng, chống dịch COVID-19, đang thực hiện cách ly tập trung 1.029 người.
Các công trình này có thể nguy hiểm, không đảm bảo an toàn khi trời mưa gió lớn, vì vậy trong ngày 11/9, UBND TP Đà Nẵng, các quận, huyện, sở, ngành khẩn trương tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở.
Đối với những người sống trong nhà không kiên cố, ở khu vực nguy hiểm sẽ được di dời đến nơi an toàn nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Đà Nẵng cũng lên phương án chống ngập úng, nhất là tại huyện Hòa Vang, nơi đang thi công nhiều công trình xây dựng trọng điểm và nhiều khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở.
Về đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tránh trú bão, các lực lượng hướng dẫn ngư dân khẩn trương đưa tàu thuyền vào neo đậu trong Âu thuyền Thọ Quang nhưng phải xét nghiệm nhanh và yêu cầu ngư dân ở yên trên tàu, khi bão đổ bộ sẽ tổ chức sơ tán ngư dân lên địa điểm cách ly tập trung an toàn trên đất liền.
Do ảnh hưởng của bão số 5, đến 8h ngày 11/9, tại Đà Nẵng đã có mưa to.
Tại Quảng Bình, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, các địa phương đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai với 151 đội/151 xã, phường, thị trấn với tổng lực lượng 12.359 người.
Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm phòng thủ dân sự tỉnh đã chỉ đạo Ngành Y tế phải khẩn trương, cụ thể hóa công tác phòng, chống dịch bệnh trong công tác phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn nhất cho người dân và các lực lượng.
Các lực lượng vũ trang, xung kích phòng chống thiên tai, giao thông, điện lực, viễn thông, cấp thoát nước sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo thông tin, liên lạc, an toàn giao thông, hệ thống điện, an ninh trật tự và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa, có nơi mưa rất to, dự báo trong những giờ tiếp theo lượng mưa sẽ tăng dần.
Tại Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có ý kiến chỉ đạo về việc triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 5 (Conson).
Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế chỉ đạo các phòng ban chức năng, các địa phương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào.
Các địa phương phải rà soát, có phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Sơ tán đảm bảo an toàn theo phương châm “4 tại chỗ” trường hợp xảy ra bão, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo phòng, chống dịch và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly y tế.
Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên - Huế có phương án đảm bảo an toàn cho các tàu hàng hải, neo đậu an toàn tại các cảng Thuận An, Chân Mây, tránh va trôi. Sở Y tế chỉ đạo các phòng ban chức năng hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức dự trữ đầy đủ thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý môi trường, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ cấp cứu. Đồng thời hướng dẫn các địa phương đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly.
Công an Thừa Thiên – Huế tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa, tàu thuyền và tài sản để ứng phó bão Conson.
Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão lũ; tình hình chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn Hà Tĩnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và an toàn thiên tai tại các địa điểm sơ tán, khu cách ly tập trung.
Để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh xả tràn với lưu lượng 5 – 70 m3/s tại 4 hồ chứa nước gồm hồ: Bộc Nguyên, Thượng Sông Trí, Tàu Voi. Việc xả tràn bắt đầu từ 8h ngày 11/9, riêng hồ Thượng Sông Trí bắt đầu từ 14h ngày với lưu lượng 20 – 50 m3/s.
Tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum, do ảnh hưởng rìa Tây Nam hoàn lưu cơn bão số 5 (Conson) có mưa to nhiều nơi. Lượng mưa các huyện Kbang, thị xã An Khê, Đak Pơ, Kông Chro, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Prông, Chư Pưh và TP Pleiku phổ biến từ 50 mm đến 80 mm, có nơi trên 100 mm, các huyện còn lại từ 30 mm đến 60 mm.
Ngành chức năng tỉnh Gia Lai và Kon Tum khuyến cáo, chiều tối và đêm 11, ngày 12/9 có mưa rào và giông nhiều nơi, trong cơn giông cần đề phòng xảy ra mưa lớn, lốc, sét và gió giật mạnh, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét ở các suối nhỏ và sạt lở đất ở những nơi đất dốc, sung yếu.