Ngày 19/4, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Viện Phát triển Phát thanh – Truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương (AIBD) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo “Tác nghiệp bảo chí về an toàn giao thông”.
Hội thảo nhằm mục đích giúp các nhà báo, phóng viên nâng cao kĩ năng tác nghiệp báo chí về an toàn giao thông, khai thác hiệu quả hơn các nội dung, dữ liệu về giao thông, từ đó xây dựng những kế hoạch truyền thông hiệu quả, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và những hậu quả đáng tiếc do tai nạn giao thông gây ra.
Hội thảo “Tác nghiệp bảo chí về an toàn giao thông”.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, cùng với lực lượng CSGT, trong những năm qua, các cơ quan báo chí góp phần đắc lực đối với công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phản ánh các hoạt động, các gương người tốt, việc tốt của lực lượng CSGT trên địa bàn cả nước.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, lực lượng CSGT đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đại diện Cục CSGT đề nghị các cơ quan báo chí thực hiện nhiều bài viết phản ánh về các hoạt động của lực lượng CSGT, cách làm hay, gương người tốt, việc tốt, các giải pháp hiệu quả trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để người dân hiểu và ủng hộ lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.
Các cơ quan báo chí truyền thông bằng nhiều hình thức khác nhau như đưa tin, bài, phản ánh, phóng sự, toạ đàm, chùm ảnh, video… nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, góp phần tạo hiệu ứng cao trong dư luận.
Đồng thời, báo chí cần tập trung phản ánh các hành vi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như vi phạm nồng độ cồn, ma tuý, chở quá tải, quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, làm giả các loại giấy tờ của phương tiện và người điều khiển.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Đại diện Cục CSGT, Bộ Công An.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh, trong bất cứ xã hội hiện đại nào, tai nạn giao thông luôn là hiểm họa thường trực đối với mỗi người khi tham gia giao thông. Trên phạm vi cả nước, mỗi ngày xảy ra hàng trăm vụ tai nạn giao thông, làm chết và bị thương nhiều người. Tai nạn giao thông để lại nỗi đau cho người thân nạn nhân, tạo gánh nặng cho xã hội và gây tổn thất về vật chất của gia đình và xã hội.
Trước thực trạng đó, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông, để làm thay đổi thái độ, hành vi tự giác chấp hành của người tham gia giao thông luôn được xem là một phần trách nhiệm của mỗi nhà báo, mỗi phóng viên.
Ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
"Chúng ta phải trang bị những kiến thức, kỹ năng tác nghiệp chuyên nghiệp, hiệu quả và cùng với cơ quan mình thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về an toàn giao thông. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Với vai trò là những người làm báo chuyên nghiệp, chúng ta phải kịp thời ghi nhận, cổ vũ, động viên lẫn nhau, cùng tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, nguyên nhân và hậu quả của tai nạn giao thông đối với các nạn nhân và toàn xã hội, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, góp phần kiềm chế và giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng ý thức văn hoá giao thông trong các tầng lớp nhân dân”, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nói.
Theo Cục CSGT, Bộ Công An, trong hơn 10 năm trở lại đây (từ năm 2012 đến năm 2022), tai nạn giao thông đường bộ chiếm hơn 92% về số vụ, số người chết, người bị thương trong, gây thiệt hại rất lớn về con người và tài sản.
Trung bình hàng năm có hơn 8.000 người chết và gần 20.000 người bị thương trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ, phần lớn các nạn nhân đều trong độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Độ tuổi người gây ra tai nạn giao thông chủ yếu từ 18 đến 60 tuổi (trong đó độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi chiếm hơn 60%).
Về phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông, mô tô chiếm 58,95%, xe tải chiếm 21,69%. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn xuất phát từ ý thức chủ quan của người tham gia giao thông chiếm hơn 90%, tập trung vào các hành vi vi phạm như: đi không đúng phần đường, làn đường; không chú ý quan sát; vi phạm tốc độ; vi phạm nồng độ cồn...