Trong báo cáo “Đánh giá các thị trường làm hàng giả và vi phạm bản quyền nổi bật năm 2020”, được công bố ngày 14/1/2021, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng chợ Bến Thành, TP.HCM và chợ Đồng Xuân, Hà Nội là hai trong số các chợ truyền thống (so sánh với chợ online) được lấy làm “ví dụ về các thị trường được báo cáo là tham gia vào hoặc tạo điều kiện cho hành vi vi phạm bản quyền hoặc làm hàng giả với quy mô đáng kể”.
Chợ Đồng Xuân. (Ảnh minh họa: Wikipedia)
Cụ thể trong báo cáo, chợ Bến Thành được mô tả là một điểm thu hút du khách và người dân địa phương, có các loại mặt hàng phong phú (hàng lưu niệm, giày dép, phụ kiện, mỹ phẩm,...) nhưng phần lớn được báo cáo là hàng giả. “Theo báo cáo, trong năm 2020, chợ này ít bị truy quét hơn các năm trước. Truyền thông địa phương đưa tin chỉ tính trong một lần truy quét, chợ bị thu giữ 1.276 vật phẩm với tổng giá trị khoảng 5.000 USD”. Nhưng những nỗ lực này được cho là chưa đủ.
Trong khi đó, chợ Đồng Xuân cũng được báo cáo với các mặt hàng giả tương tự. “Người dân địa phương ít mua hàng giả ở chợ này hơn do thay đổi sở thích và tiêu chuẩn sống tăng. Dù vậy, vấn đề (vi phạm) sở hữu trí tuệ vẫn còn đáng kể vì quy mô của chợ”.
Trong thông cáo, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết: “Việc quy trách nhiệm giải trình cho những người vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo rằng các nhà đổi mới và sáng tạo của Mỹ có cơ hội đầy đủ và công bằng để sử dụng và thu lợi nhuận từ công việc của họ là rất quan trọng đối với cả thị trường truyền thống và trực tuyến”.
“Việc chống lại nạn vi phạm bản quyền và hàng giả sẽ đòi hỏi nỗ lực bền bỉ của cả chính phủ liên bang và các công ty thu lợi nhuận từ việc bán những hàng hóa đó”.