(VTC News) – Quan chức Quốc hội cho rằng báo cáo giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực đầu tư công, DN và ngân hàng chưa chỉ ra trách nhiệm của các bên liên quan
.
Ngày 1/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và
hệ thống ngân hàng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Trưởng Đoàn giám sát cho biết tài liệu dài hơn 6.000 trang, báo cáo giám sát dài 37 trang, phụ lục kèm theo là 79 trang với nhiều nội dung quan trọng.
Quan chức Quốc hội ví von rằng ' trước kia ra ngõ gặp anh hùng, giờ đây ra ngõ toàn gặp ngân hàng' |
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước sau khi nghe báo cáo cho rằng cần phải làm rõ hướng khắc phục trong việc
đầu tư dàn trải và hướng xử lý nợ đọng vốn xây dựng cơ bản.
“Đầu tư công tập trung vào chương trình mục tiêu quốc gia nhưng chưa nói rõ được kết quả dự án đầu tư không đúng mục tiêu theo tinh thần này là như thế nào?”, đại biểu Ksor Phước đặt câu hỏi.
Cũng có cùng quan điểm cần phải làm rõ hơn các nội dung trong báo cáo giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền thẳng thắn chia sẻ: "Tôi là tác giả của hàng trăm báo cáo giám sát, nhưng thấy báo cáo này thiếu một vấn đề quan trọng là trách nhiệm".
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt vấn đề: "Tái cơ cấu liên quan đến thể chế thì 3 năm qua thể chế đi vào cuộc sống như thế nào?; thể chế gì không phù hợp, tại sao? thể chế nào còn thiếu?”.
Báo cáo của đoàn giám sát phản ánh thực trạng rất sinh động, nhưng thiếu trách nhiệm từng cấp như thế nào thì chưa thấy bóng dáng.
“Trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành địa phương là có, nhưng báo cáo này chưa thấy", ông Quyền góp ý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Nguyễn Đình Quyền (Ảnh: Việt Dũng) |
Vị đại biểu này lấy ví dụ trong tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tập đoàn kinh tế hoạt động bao nhiêu năm mà khung pháp lý chỉ dừng ở một văn bản của Thủ tướng.
“Tập đoàn, Tổng Công ty là xương sống của Doanh nghiệp nhà nước, nhưng khi chuyển dịch thì đánh giá như thế nào?”, ông Quyền đặt câu hỏi.
|
Ông Quyền cũng ví von "trước kia ra ngõ gặp anh hùng, thì giờ ra ngõ toàn gặp ngân hàng".
“Hàng trăm nghìn ngân hàng, nhiều ngân hàng hoạt động yếu kém thì giờ phải sắp xếp lại. Nhưng đọc báo cáo giám sát vẫn thấy thiếu trách nhiệm", ông Quyền nêu rõ.
Cũng đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Đoàn giám sát phải chú ý phải chỉ ra được trách nhiệm trong việc chậm trễ tái cơ cấu; chậm trễ trong ban hành văn bản pháp luật; hay ban hành rồi mà không thực hiện thì phải làm rõ hơn trách nhiệm của các bộ ngành, tỉnh thành phố, Chính phủ, Quốc hội".
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nói: “Chúng ta rất ngại nói về trách nhiệm, chưa thể hiện quyết tâm cao. Trách nhiệm không rõ mà cứ chung chung".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu ý kiến: "Nghị quyết viết vẫn còn 'tăng cường nỗ lực tích cực'. Nghe cứ êm ái dịu dàng thì ra Nghị quyết làm gì?
Nghị quyết của Đảng còn mạnh hơn nhiều, Quốc hội phải đi vào cái gì tương đối rõ, mục tiêu phải rõ để đưa ra giải pháp, mỗi giải pháp cũng phải đặt mục tiêu rõ ràng".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Sau khi giám sát Quốc hội có chủ trương giám sát gì? Quốc hội ra quyết định gì thì phải rõ. Chúng ta phải làm theo tinh thần đấy. Tập trung tái cơ cấu tới năm 2015 đạt tới đâu, việc này phải tính để Quốc hội ra quyết định.
“Nghị quyết là 5 năm nhưng không phải 5 năm ta làm xong. Đây là giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phạm Thịnh