Đang có hai luồng ý kiến trái chiều quanh việc có nên tổ chức thi THPT quốc gia hay không trong mùa dịch COVID-19. Bộ GD&ĐT cũng trình Chính phủ hai phương án thi và không thi. Trong đó, phương án vẫn tổ chức kỳ thi được ưu tiên.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, tình hình hiện nay có thể giữ kỳ thi THPT quốc gia, nhưng Bộ GD&ĐT nên tính toán đề thi giảm phần câu hỏi nâng cao, chỉ tập trung thi các nội dung cơ bản. Các nội dung học kỳ 2 không học thì không đưa vào đề thi. Học sinh học đến đâu thi đến đó.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội mong muốn kỳ thi THPT quốc gia 2020 được diễn ra như kế hoạch. Bởi đây là kỳ thi lớn, nếu có thay đổi sẽ tạo ra sự xáo trộn trong xã hội, phụ huynh và học sinh. Các thí sinh, nhà trường và các địa phương sẽ bị động vì việc bỏ thi chưa nằm trong bất cứ kế hoạch nào nên chưa có sự chuẩn bị.
Ngoài ra, việc huỷ kỳ thi THPT quốc gia vào giờ phút này khiến học sinh bị động và thiếu công bằng do các em sớm lựa chọn học theo khối ngành, tổ hợp môn thi để ôn tập gần một năm qua, thầy Tùng.
Theo bạn, kỳ thi THPT quốc gia 2020 nên diễn ra thế nào?
Trong khi đó theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, trường THPT đang tích cực triển khai dạy online để đảm bảo kiến thức cho các em. Tuy nhiên sau thời gian hoạt động, phương thức này cho thấy nhiều điểm chưa hợp lý, nhất là trong việc kiểm soát và đánh giá chất lượng của học sinh.
“Đây chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết căn cơ trong giáo dục là truyền đạt và ôn luyện cho các em được. Chúng ta không thể thi cử với những kiến thức học trực tuyến được, vì điều đó sẽ ảnh hưởng rất đến công tác tuyển sinh và chất lượng đầu vào thí sinh các trường đại học”, PGS Trần Xuân Nhĩ nói và cho rằng, Bộ GD&ĐT nên tính đến trường hợp xấu nhất, xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho học sinh.
Kỳ thi THPT quốc gia 2020 nên diễn ra thế nào trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Đồng quan điểm, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam bày tỏ, Bộ GD&ĐT không nhất thiết phải cố gắng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay; nên đưa việc xét tốt nghiệp về địa phương và để trường đại học tự chủ tuyển sinh.
Thầy Nguyên Vũ, giáo viên trường THPT Chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế) ủng hộ phương án xét tốt nghiệp, còn việc tuyển sinh giao cho các trường.
Đã đến lúc các trường phải tự đảm bảo chất lượng bằng cách “siết đầu ra” để đảm bảo tên tuổi, uy tín. Các trường đại học phải có giảng viên chất lượng để đảm bảo dạy học, không thể đổ lỗi cho nhà trường THPT là nếu xét tốt nghiệp các em bỏ bê, không có kiến thức nền, thầy giáo nói.
Video: Phụ huynh đã đồng ý cho con tới trường chưa?