Hôm nay, nắng nóng gay gắt "hoành hành" ở Hà Nội, với nền nhiệt cao nhất có nơi lên đến 41 - 42 độ C. Đây cũng là thời điểm nhiều hàng quán hoạt động tấp nập nhất bởi nhu cầu mua nước giải khát tăng cao.
Loay hoay cạo mía không ngơi tay, bà Lê Thị Lý (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Từ sáng đến giờ tôi cạo liên tục khoảng 40 cây mía rồi, cũng may là có máy cạo nên công việc cũng nhẹ nhàng hơn. Mấy hôm nay, trời nắng nóng nên đông khách quá, mía cạo xong đến đâu là bán hết đến đấy".
Nhiều cửa hàng tiêu thụ cả trăm lít nước mía trong những ngày cao điểm nắng nóng. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Tranh thủ đang nhàn rỗi sau đợt dịch, công ty chưa sắp xếp được công việc để đi làm lại, chị Thu (con bà Lý) ra bán hàng giúp mẹ để kiếm thêm thu nhập. Theo chị Thu, lượng khách hàng ghé quán chị chủ yếu là người đi đường, khách vãng lai, người dân lao động ngoài trời tranh thủ uống cốc nước để hồi phục năng lượng. Nhiều người cũng mua nước mía tính theo lít về để uống giải khát tại nhà.
"Bình thường mỗi ngày nhà tôi bán được khoảng 5 vác mía (mỗi vác 10 cây), nhưng từ sáng đến giờ đã bán được gần 50 cây rồi. Chiều nay nắng nóng tôi nghĩ doanh thu sẽ tăng gấp đôi thậm chí gấp 3 ngày thường. Mỗi cây mía sẽ cho trung bình khoảng 1 lít nước mía, nếu bán theo lít giá sẽ là 24.000 đồng/lít rẻ hơn bán mía cốc và lãi ít hơn. Nếu bán theo cốc thì giá mỗi cốc là 10.000 đồng, một cây mía bán được 3 cốc nước, trừ chi phí 12.000 đồng/cây cộng thêm tiền đá và tiền điện sẽ lãi được khoảng 13.000 - 15.000 đồng/cây mía", chị Thu chia sẻ.
Cũng là tiểu thương kinh doanh nước mía nhưng chị Thu Hoài kinh doanh tại cổng nhà máy Rạng Đông lại nhập về loại mía rẻ hơn, có giá thành thấp hơn nên giá bán cũng rẻ hơn tương đối. Chị Hoài lý giải, do đối tượng khách hàng của chị chủ yếu là công nhân thuộc công ty nên kinh tế không cao, họ chỉ cần có nước mía uống với giá phải chăng là được. "Mía để bán cũng có rất nhiều loại, dao động từ 7.000 đồng/cây - 14.000 đồng/cây. Tôi thì chỉ nhập những loại mía rẻ, giá thấp để hạ giá thành sản phẩm xuống. Người ta bán 10.000 đồng/cốc nước thì tôi chỉ bán 8.000 đồng/cốc, với nước mía lít thì tôi cũng chỉ bán 20.000 đồng/lít. Tôi nhập loại mía đỏ, nước ngọt nhưng màu không đẹp nên giá thành rẻ hơn loại mía trắng", chị Hoài nói.
Mỗi ngày, đầu mối giao mía đi giao cả nghìn cây mía. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Do nhu cầu của khách hàng tăng cao, anh Huy, một người giao mía tại Thanh Trì cũng tiết lộ, bình thường mỗi chuyến anh giao từ 10 - 12 vác cho vài khách, nhưng hôm nay cao điểm nên mỗi chuyến anh này sẽ cố giao 20 vác. Một ngày sẽ có từ 5 - 6 chuyến hàng như vậy.
Không chỉ riêng nước mía mới đắt khách mà dừa xiêm cũng được người tiêu dùng mua nhiều trong ngày nắng nóng cực điểm như hôm nay.
Anh Lê Duy Khiêm, một người chuyên bán dừa tại trên đường Nguyễn Xiển cho biết, giá dừa xiêm năm nay cao hơn. Năm ngoái, anh nhập vào chỉ có 7.000 đồng bán ra 10.000 đồng nhưng năm nay lên đến 12.000 - 13.000 đồng/quả, bán ra là 15.000 đồng. Còn loại quả nhỏ đang được bán với giá 10.000 đồng nhập vào là 8.000 đồng nhưng loại này ít nước, quả bé nên lượng tiêu thụ ít.
Dừa xiêm cũng "cháy" hàng ngày nắng nóng. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hôm nay (21/5), vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển và mở rộng về phía Đông Nam nên nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt sẽ xảy ra ở phía Tây Bắc Bộ, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, riêng vùng núi phía Tây của Trung Bộ có nơi 41-42 độ C.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế ra đường vì nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Chỉ số tia UV ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị 8-10, ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.