Bản Sưng nép mình bên núi Biều, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình, cách thủ đô chỉ 100km với 2 giờ di chuyển bằng ô tô. Bản làng đẹp nguyên sơ, hoang dã, có những món ăn để lại dư vị khó quên.
Bản làng kỳ lạ
Bản Sưng, hay xóm Sưng, có 73 hộ gia đình. Dù chỉ có 3 nhà làm homestay nhưng nếu sống ở đây 2 ngày, đi bất cứ đâu, du khách cũng gặp được người bản địa sẵn sàng trò chuyện, làm tourguide dẫn bạn khám phá các cung đường.
Theo lời người dân, xóm Sưng có từ hơn 300 năm (trước gọi là xóm Sâng - chỉ tên một loài cây mọc nhiều ở vùng đất này, nhưng do phát âm khó, người dân đọc chệch đi thành Sưng cho dễ nhớ).
Giờ đây giao thông đến xóm Sưng tương đối thuận tiện, nhưng chỉ trước đó 5 năm, đường lên xóm Sưng rất khó đi. Người trong bản chủ yếu đi bộ nên phụ nữ, trẻ em liên tục vấp ngã, bị sưng chân tay, mặt mũi. Có người nói, tên Sưng ra đời một phần vì thế.
Trước khi có điện và đường rải nhựa, xóm Sưng tách biệt với cuộc sống hiện đại nên đến nay vẫn giữ được đa số nét truyền thống của người Dao. Người dân sống trong các căn nhà trệt, mái lợp bằng lá cọ. Giữa mỗi căn nhà là một gian bếp, trên có gác để đựng vật dụng và đồ ăn cần bảo quản, tránh mốc và ẩm vào mùa xuân.
Người dân ở xóm Sưng vẫn nhuộm chàm, tự in hoa văn lên vải bằng sáp ong. Đặc biệt, vì lo trẻ con lớn lên không thể đọc hiểu tiếng dân tộc mình, xóm có lớp dạy tiếng Dao.
Người dân ở xóm Sưng vẫn nhuộm chàm, tự in hoa văn lên vải bằng sáp ong. (Ảnh: Lưu Trọng Đạt)
Ở bản Sưng, con gái không bắt buộc phải lấy chồng nhưng có thể sinh con. Đàn ông lấy người phụ nữ đã có con riêng vẫn sẽ yêu thương con của vợ như con đẻ. Từ lâu, dân bản đã thực hiện điều mà người miền xuôi gọi là “nếp sống mới” - chỉ sinh 1-2 con.
Đặc biệt là nếu ai đó sinh con ra nhưng không đủ điều kiện chăm sóc thì có thể cho người khác nuôi dưỡng. Gia đình nhận nuôi và người cho con trở thành bạn bè, cùng vun đắp và dõi theo sự trưởng thành của đứa trẻ chung đó. Đứa trẻ mang họ nhà nào thì thuộc về nhà nấy và sống vui vẻ, đi lại giữa hai nhà bố mẹ nuôi và cha mẹ đẻ.
Những người đàn ông lớn tuổi nhất trong xóm được gọi là “bố” như cách thể hiện sự kính trọng đối với các bậc lão niên.
Mọi thứ nhiều tuổi ở xóm Sưng đều được người dân bảo vệ, chăm sóc. Chẳng hạn như cây dổi hàng trăm năm tuổi mọc giữa xóm được cả làng bảo vệ. Vì là cây quý, dân bản không cho phép bất cứ ai leo lên cây thu hoạch. Hạt dổi rơi xuống đất sẽ thuộc về người may mắn nhặt được. Mỗi hạt dổi như vậy có thể được bán với giá 1.000 - 2.000 đồng.
Tất cả đàn ông Dao Tiền phải biết ngôn ngữ của dân tộc mình để thờ cúng tổ tiên. Phụ nữ Dao Tiền có nhiều “đặc cách” hơn phụ nữ truyền thống trong chuyện lấy chồng, sinh con nhưng ai cũng có bàn tay đen vì phải tự nhuộm vải để làm một bộ trang phục truyền thống cho mình từ năm 10 tuổi.
Những cánh rừng luồng, dó bạt ngàn
Từ bản Sưng, du khách đi xe 6km để đến rừng luồng, từ đây đi bộ xuyên rừng là tới bản Đá Bia nằm bên mép hồ sông Đà rộng lớn. Giữa những cây luồng cao vút khoe thân thẳng tắp là những cây dó được trồng đan xen.
Nếu đến đúng mùa, du khách sẽ được ngắm hoa dó nở từng chùm màu trắng, toả mùi thơm quyến rũ. Hoa dó nở từ tháng 12 đến hết tháng 2 dương lịch. Đây là lúc trời khô lạnh nên hương hoa như ngưng tụ trong không gian, khi gặp gió rừng thì bung ra, bay xa mãi. Màu trắng của từng chùm hoa bay lững lờ theo gió, điểm xuyết trên nền xanh thẫm của cây rừng khiến du khách có cảm giác bước vào một khung cảnh thanh bình kỳ lạ.
Ngoài rừng luồng, xung quanh bản Sưng còn có rừng keo lá tràm, rừng tre đan xen giữa những cây chè shan tuyết cổ thụ những vạt xuyến chi tim tím. Tất cả tạo nên một bức tranh tự nhiên đầy màu sắc trên nền rừng xanh thẫm.
Năm 2021, bản Sưng có internet, nhưng nhiều người dân vẫn muốn duy trì cuộc sống cũ. Đa số nhà dân không có tivi. Bởi vậy, về xóm Sưng là rời xa cuộc sống công nghệ. Trời cuối thu, 17h trời đã tối. Cả xóm chìm trong khung cảnh yên bình, tĩnh mịch. Du khách cắm sạc pin điện thoại để hôm sau sẵn sàng chụp ảnh, cuộn tròn trong chăn đọc truyện rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Các ngày 2-3/12/2023, Ngày hội Văn hoá, Thể thao quảng bá du lịch được tổ chức tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Trong khuôn khổ ngày hội, huyện Đà Bắc tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật để giới thiệu những sắc màu văn hoá đặc sắc của địa phương tới du khách. Điểm nhấn của ngày hội là cuộc thi đua thuyền kayak trên sông Đà.