Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty chăn nuôi Lộc Phát BLLT, tâm sự, mỗi tháng đang gánh lỗ trên dưới 2 tỷ đồng. Hơn 20 năm chăn nuôi lợn, chưa bao giờ ông Bắc thấy khó khăn như giai đoạn này. Suốt từ năm 2017 đến nay, hết khủng hoảng thừa cung lại đến dịch bệnh và giờ là “bão giá”. Người chăn nuôi như ông lúc nào cũng như “ngồi trên đống lửa”.”
Ông Bắc tâm sự, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục từ cuối năm 2020 đến nay chưa một lần giảm. Giá cước vận chuyển cám từ nhà máy về đến trang trại cũng tăng mạnh do giá xăng dầu vọt lên đỉnh lịch sử và đến nay vẫn neo ở mức cao. Kéo theo, chi phí giá thành chăn nuôi tăng mạnh, trong khi giá bán lợn hơi lại giảm dần đều, đáy sau thấp hơn đáy trước.
Ông tính toán, một con lợn từ lúc nuôi (6kg) đến lúc bán đạt trọng lượng bán là 120kg mất 5,5 tháng (khoảng 165 ngày). Trang trại của ông sản xuất được con giống nên chi phí tiền giống chỉ hết khoảng 1,2 triệu đồng, các hộ dân phải mua con giống phải trả 1,6 triệu đồng/con lợn 6kg (tính ở thời điểm cách đây 5 tháng).
Giá lợn hơi neo ở mức thấp khiến người chăn nuôi gánh lỗ nặng (Ảnh: MH).
Chi phí thức ăn chăn nuôi từ lúc vào đàn đến khi xuất chuồng hết khoảng 4,1 triệu đồng. Chi phí cho nhân công, điện nước, thuốc thú ý hết 350.000 đồng/con. Chi phí hao hụt đàn (tỷ lệ 5%) khoảng 300.000 đồng/con. Khấu hao chuồng trại 300.000 đồng/con, hộ đi thuê chuồng hết khoảng 400.000 đồng/con. Lãi suất vay ngân hàng tính bình quân khoảng 240.000 đồng/kg.
Tổng chi phí chăn nuôi một con lợn trọng lượng 120kg là gần 6,5 triệu đồng. Nhưng ngày 27/3, giá lợn hơi sụt giảm còn 48.000 đồng/kg, tức 1 con lợn ông Bắc nuôi cách đây 5,5 tháng xuất bán thu về được 5,76 triệu đồng, lỗ 730.000 đồng/con.
Với những hộ nuôi nhỏ phải mua con giống, thuê chuồng trại lỗ hơn 1 triệu đồng/con khi bán lợn thời điểm này.
Trang trại của ông Bắc hiện nuôi 10.000-11.000 lợn thịt, mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 2.000-2.500 con. Ngoài ra, ông còn nuôi 1.500 lợn bố mẹ để sản xuất con giống.
“Bán lợn hơi cũng lỗ mà xuất bán con giống cũng lỗ”, ông Bắc than thở. Bởi, giá con giống loại 6kg ông xuất bán giá 1,1 triệu đồng/con, trong khi giá thành ở mức 1,2 triệu đồng/con. Một ổ lợn giống (11 con) khi xuất bán ông lỗ hơn 1 triệu đồng.
Theo ông, thời điểm trước 20 tháng Giêng Âm lịch, giá lợn dao động từ 54.000-55.000 đồng/kg, ông xuất bán lợn vẫn còn hoà vốn. Ngay sau đó, giá lợn giảm mạnh, có thời điểm giảm còn 46.000 đồng/kg nên trang trại của ông rơi vào cảnh thua lỗ nặng.
Với lượng lợn thịt thương phẩm và lợn giống bán ra mỗi tháng, ông Bắc nhẩm tính mình lỗ khoảng trên dưới 2 tỷ đồng.
Nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ lại yếu, giá lợn hơi được dự báo khó hồi phục trong thời gian ngắn (Ảnh: Tâm An)
“Tôi vẫn cố gắng duy trì đàn lợn dù đang còng lưng gánh lỗ. Những trang trại nhỏ lẻ nay hầu hết đều đã giảm đàn, có người xuất bán lợn rồi không vào đàn mới nữa”, ông nói. Bởi, giá lợn không những rẻ mà còn ế ẩm, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi.
Hiện, giá lợn hơi xuất chuồng tại các địa phương dao động từ 48.000-50.000 đồng/kg; một vài tỉnh, thành phố duy trì ở mức 51.000-52.000 đồng/kg.
Thị phần đàn lợn rơi vào tay doanh nghiệp
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho hay, với mức giá từ 48.000-52.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi gánh lỗ nặng. Trang trại tự túc được con giống giá thành lợn hơi phải ở mức 55.000-57.000 đồng/kg, còn mua lợn giống thì giá thành lên tới trên 60.000 đồng/kg.
Theo ông Đoán, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 40%, giá thuốc thú y tăng từ 15-20%, còn giá lợn hơi ngày một giảm. Do đó, người nuôi lợn một thời gian dài gồng lỗ.
“Dự báo, giá lợn hơi năm nay sẽ rất khó khăn vì cung đang vượt cầu”, ông nói.
Thống kê cho thấy, tổng đàn lợn của nước ta hiện nay đạt gần 29 triệu con. Các hộ nông dân nhỏ lẻ không cầm cự được vì thua lỗ kéo dài nay đã giảm đàn hoặc treo chuồng.
Trước doanh nghiệp chỉ nắm 30% thị phần đàn lợn ở nước ta, còn đàn lợn trong nông hộ chiếm 70%. Nay con số này đảo ngược, 70% thị phần đàn lợn rơi vào tay doanh nghiệp. Ông cho rằng, khi doanh nghiệp nắm thị phần ngành chăn nuôi, họ sản xuất ở quy mô lớn sẽ có lợi về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nông dân mất dần kế sinh nhai.
Tuy nhiên, thực trạng ở nước ta hiện nay, chuỗi chăn nuôi của doanh nghiệp nội chưa lớn mạnh nếu không muốn nói là khá yếu, trong khi doanh nghiệp ngoại nguồn lực rất mạnh nên thâu tóm thị phần nhanh hơn. Về lâu dài họ sẽ khống chế giá mua và bán trên thị trường. Nông dân trở thành người nuôi gia công, gánh chịu nhiều rủi ro.