Bán hàng trực tiếp là quá trình giao tiếp giữa người bán và người mua, qua đó người bán tìm hiểu nhu cầu, tư vấn, giới thiệu và thuyết phục khách hàng lựa chọn và mua sản phẩm sao cho đáp ứng quyền lợi thỏa đáng lâu dài của hai bên.
Bán hàng trực tiếp còn là một hình thức xúc tiến hiệu quả để xây dựng mối quan hệ khách hàng lâu dài và phát triển một doanh nghiệp linh hoạt với chi phí thấp.
Do đó, hoạt động bán hàng trực tiếp không chỉ là hoạt động tất yếu trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp mà còn có vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng và xã hội.
(Ảnh minh họa).
Đối với doanh nghiệp
Bán hàng trực tiếp là hoạt động quan trọng đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh có hiệu quả thì doanh nghiệp mới có thể mở rộng và phát triển quy mô. Thông qua hoạt động bán hàng trực tiếp, doanh nghiệp hiểu hơn về thị trường, về khách hàng, từ đó sẽ từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Với mô hình bán hàng trực tiếp, các doanh nghiệp không phải duy trì lượng hàng tồn kho ở mức cao để cung cấp cho những người bán lại và các kênh bán lẻ. Bởi doanh nghiệp chỉ sản xuất những gì người tiêu dùng cần và sẽ hạn chế được tình trạng nhiều hàng tồn kho, chiếm không gian và ngốn nhiều tiền vốn.
Ngoài ra, bán hàng trực tiếp sẽ giúp doanh nghiệp tránh mất khoản chi trả thêm cho người bán lại hay chi phí cho số hàng tồn kho. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể làm lợi cho người tiêu dùng một cách đáng kể và mở rộng thị trường nhanh chóng.
Và cứ mỗi người tiêu dùng mới, doanh nghiệp có thể thu thập thêm thông tin về các yêu cầu sản phẩm và dịch vụ của họ. Đây được coi là một vòng khép kín hoàn hảo trong chu trình kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, mô hình bán hàng trực tiếp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp bắt mạch bất cứ thị trường nào họ muốn thâm nhập và cung cấp công nghệ phù hợp cho người tiêu dùng một cách tương ứng.
Đối với người tiêu dùng
Bán hàng trực tiếp có ý nghĩa đặc biệt trong việc thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Hoạt động bán hàng trực tiếp giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với các nguồn hàng, việc tìm kiếm các sản phẩm cần thiết cho nhu cầu sống sẽ nhanh chóng và tiện lợi hơn, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.
Thông qua hoạt động bán hàng trực tiếp, người tiêu dùng sẽ được tiếp cận với đầy đủ thông tin nguồn hàng, phong phú sự lựa chọn và thỏa mãn nhu cầu một cách tốt nhất.
Hơn nữa, bán hàng trực tiếp sẽ tạo ra các tiện ích thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng: Việc bán hàng cá nhân (trực tiếp) tạo ra 3 tiện ích, đó là thời gian, sở hữu, địa điểm (nơi mua). Ví dụ, người tiêu dùng muốn mua một chiếc xe ô tô Nhật và cần ngay trong tháng sau, tuy nhiên thời gian để chiếc xe đó nhập về mất ít nhất 6 tháng, vậy người người tiêu dùng liệu có quan tâm nữa không?
Đối với xã hội
Bán hàng trực tiếp là khâu cuối cùng của quá trình lưu thông hàng hóa, kết thúc quá trình vận động, hàng hóa chuyển từ lưu thông sang lĩnh vực tiêu dùng cá nhân. Bán hàng trực tiếp góp phần tái sản xuất sức lao động và thỏa mãn nhu cầu vật chất của xã hội, phục vụ và thúc đẩy sản xuất phát triển.
Hoạt động bán hàng trực tiếp có tác động thúc đẩy làm tăng tổng cầu, thể hiện ở việc bán hàng đúng thời hạn, nơi mua thuận tiện; làm tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ. Điều này mang lại lợi ích cho xã hội như: Số lượng thất nghiệp giảm vì nhiều người có cơ hội việc làm; nhu cầu tăng lên làm cho lượng hàng tiêu thụ tăng lên, chi phí trên một đơn vị sản phẩm giảm xuống, như vậy sản phẩm có thể được bán với giá rẻ hơn.
Bán hàng trực tiếp còn tác động tới việc giảm lạm phát, việc người bán hàng cung cấp thông tin, tập trung tìm cách giải quyết vấn đề của người mua, đưa ra những lợi ích của sản phẩm sẽ giúp người mua chi tiêu thông minh hơn và hiệu quả hơn. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tăng lên sẽ thúc đẩy việc giảm giá, nhờ đó, người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn.