Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bản ghi Quốc ca chính thức đã được Đài Tiếng nói VN thu 23 năm trước

(VTC News) -

Bản ghi Quốc ca mà Đài TNVN thực hiện năm 1998 đã được duyệt, cho phép phát hành và yêu cầu sử dụng chính thức trong các nghi lễ trọng thể, các sự kiện có chào cờ.

Nghe bản ghi Quốc ca do Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện năm 1998

Sự việc ca khúc Tiến quân ca bị tắt tiếng khi trận đấu bóng đá giữa Việt Nam và Lào được phát trên YouTube tối 6/12 khiến nhiều người nêu ý kiến rằng cần có một bản ghi Quốc ca chính thức để phát miễn phí trên nền tảng số.

Thực tế, năm 1998, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối khí, dàn dựng, thu thanh 3 bài chính ca gồm Quốc thiều, Quốc ca, Lãnh tụ ca. Tất cả đều được dàn dựng một cách công phu với trình độ nghệ thuật cao, do các nhạc sĩ của Đài như Đỗ Hồng Quân, Cao Việt Bách, Hoàng Lương, Trọng Đài... phối khí, Dàn nhạc Giao hưởng và Hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam trình bày.

Sau đó, Ban Tuyên giáo Trung ương duyệt, cho phép phát hành các bản chính ca này trong cả nước và yêu cầu sử dụng chính thức trong các nghi lễ trọng thể của Đảng, Nhà nước, các địa phương, đoàn thể, như các buổi mít tinh, Đại hội Đảng, các sự kiện có chào cờ...

Ca khúc Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao do nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phối khí và dàn dựng, được thu thanh thành Quốc thiều và Quốc ca, hiện lưu trữ tại Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Như VTC News đưa tin, luồng trực tiếp trận đấu bóng đá Việt Nam và Lào trên YouTube tối 6/12 phải tắt tiếng ở phần cử hành Quốc ca hai nước khiến người xem ngỡ ngàng. Lý do tắt tiếng được đơn vị phát sóng bằng dòng chữ trên màn hình: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".

Next Sports - đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2020 trên YouTube - buộc phải tắt tiếng Quốc ca hai nước do không sở hữu bản quyền bản ghi Quốc ca Việt Nam hay Lào (được phát tại sân) trên nền tảng này. Nếu vi phạm, Next Sports có thể sẽ không được tiếp tục phát các trận đấu tại AFF Cup phục vụ người hâm mộ trên YouTube nữa hoặc đến mức bị "bay kênh" do bị "báo cáo bản quyền". Next Sports cũng buộc phải ra thông báo tương tự ở 3 trận đấu trước đó trong khuôn khổ AFF Cup 2020.

Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp với các cơ quan liên quan và đưa ra ý kiến, theo đó Bộ yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam. Bộ có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca. Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.

PV

Tin mới